Mai Anh – mẹ Việt đang sống và sinh con ở Úc sẽ chia sẻ với các mẹ những kinh nghiệm quý báu để vượt qua những khó khăn sau khi sinh.
Trước khi sinh ra cô con gái bé nhỏ của mình, tôi nghĩ mình đã sẵn sàng cho việc làm mẹ. Tôi nghĩ rằng giặt giũ tất cả quần áo, bày trí căn phòng của bé và đóng gói đầy đủ tã lót, chờ ngày đến bệnh viện là đã đầy đủ. Tuy nhiên, cái cần nhất mà tôi lại thiếu đó là kiến thức của một bà mẹ trẻ. Tôi chủ quan cho rằng đó chỉ như một cuộc dạo chơi ở công viên. Nhưng thật ra đó là một cuộc chạy đua nước rút và tai hại là tôi không xác định được phương hướng trong cuộc chạy ấy.
Sau đây là những điều bạn cần biết để “sống sót” trong những tuần đầu sau khi sinh:
1. Những ngày ở bệnh viện, sẽ có rất nhiều bà mẹ mới sinh cùng tình cảnh với bạn: vật lộn với sự đau đớn cơ thể, mệt mỏi với việc chăm bé sơ sinh… Tại sao bạn lại không tâm sự, trò chuyện với họ về những gì đang diễn ra? Điều này sẽ làm mọi người thêm cởi mở và bạn sẽ không cảm thấy cô đơn.
2. Những lời khuyên sản phụ không nên tắm sớm, theo tôi là không đúng. Ở nước ngoài, ngay khi sinh bé 1 ngày, bác sỹ đã khuyên người mẹ nên tắm luôn. Việc tắm rửa hàng ngày là rất cần thiết với bà mẹ sau sinh. Nó khiến bạn sạch sẽ, thoải mái và tràn đầy năng lượng để làm nhiều việc hơn nữa.
3. Ngay từ sớm, hãy dạy trẻ phân biệt ngày và đêm. Nhiều bậc cha mẹ lo ngại ánh sáng của bóng đèn, mặt trời… là quá chói so với mắt trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, lời khuyên hữu ích là nên giữ ánh sáng nhẹ khi em bé ngủ ban ngày và tắt hết đèn khi bé ngủ vào buổi tối. Nhờ đó, bé sớm đi vào quy củ.
4. Trầm cảm sau sinh rất dễ xảy ra và đã ảnh hưởng đến nhiều bà mẹ mới sinh trên thế giới. Nếu bạn cảm thấy buồn chán, không còn tin tưởng vào bản thân thì hãy tìm đến nhà tư vấn tâm lý thật sớm. Điều này sẽ giúp những tháng đầu tiên làm mẹ của bạn trở nên “dễ thở” hơn.
5. Luôn thấy rằng những gì mình làm cho con vẫn chưa phải là tốt nhất cũng là một cảm giác tự ti mà bạn sẽ dễ gặp phải và cần sớm loại bỏ.
6. Đừng ngại ngần nhờ chồng của mình. Ban đầu anh ấy có thể rất lo lắng và không biết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, tin tôi đi, chồng bạn cũng muốn giúp bạn lắm đấy, chỉ tại bạn cứ “Làm sao mà anh làm được.” “Anh sẽ làm con đau mất”… khiến chồng bạn e ngại. Hãy để 2 bố con ở trong phòng, còn bạn yên tâm ra ngoài. Đàn ông không thích bị nhìn ngó khi đang làm việc và rồi bạn sẽ thấy ngạc nhiên về bản năng người bố đấy.
7. Nếu được, hãy hạn chế người thăm hỏi. Lý do là bạn cần được nghỉ ngơi và cũng vì bạn và chồng cần không gian và thời gian riêng. Nên nhớ đó là lý do hoàn toàn chính đáng và cần thiết.
8. Áp lực làm mẹ trong những tuần đầu tiên là rất lớn. Và nếu bạn cần khóc, thì hãy cứ khóc. Tôi đã chọn phòng tắm là nơi xả nỗi buồn của mình. Khóc dưới làn nước ấm của vòi sen sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều sau đó.
9. Hãy chụp ảnh thật nhiều ngay cả khi trông bạn thật bù xù xấu xí. Sau này, khi nhìn lại những bức ảnh đó, bạn sẽ cảm thấy mình đã từng hết lòng vì con và cũng nhờ những bức ảnh đó, đứa trẻ của bạn sẽ thấy biết ơn bạn lắm.
10. Luôn quấn chặt bé, để bé thấy yên tâm như vẫn đang trong tử cung của mẹ. Hãy nhờ y tá dạy bạn cách quấn bé, hoặc đơn giản là mua 1 chiếc túi ngủ quấn chặt dành cho bé sơ sinh.
11. Nên tham gia một diễn đàn gồm những người sắp và đang làm mẹ. Bạn cũng có thể tham gia vào nhóm những người đang mang bầu cùng tháng với mình hoặc có con cùng tuổi nhau. Bạn sẽ thấy có nhiều người đồng cảm với mình và dễ dàng chia sẻ.
12. Đừng quên thỉnh thoảng có những cuộc hẹn với chồng. Có con, bạn thường xuyên trong tình trạng mất ngủ, tóc rối, không trang điểm… Nhưng cuối tuần, hãy ăn mặc sạch sẽ, xức một chút nước hoa, trang điểm nhẹ nhàng và hẹn chồng đến một quán cafe lãng mạn. Cuộc hẹn chỉ cần trong một tiếng thôi nhưng vẫn là cần thiết. Chồng bạn cần thấy bạn không chỉ là một người mẹ tốt mà còn là một người vợ đáng yêu.
13. Thường xuyên ra ngoài rất tốt cho sức khỏe và tinh thần của hai mẹ con. Bạn cần trang bị xe đẩy hoặc ghế ngồi ô tô để việc đi dạo của hai mẹ con thuận tiện hơn.
14. Đầu tư vào 1 hệ thống theo dõi đặt ở phòng bé sẽ giúp bạn bớt lo lắng và mệt mỏi hơn rất nhiều. Với hệ thống này, bạn có thể rèn cho trẻ ngủ 1 mình ngay từ khi bé mới sinh. Bạn không cần nơm nớp, đang đêm chạy vào phòng bé liên tục để kiểm tra.
Nguồn bài viết: AFamily.VN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét