Bé Mon tuy mới 18 tháng tuổi nhưng đã nói được khá nhiều. Mẹ Mon đã có bí quyết gì để dạy con biết nói sớm?
Con trai mình hiện được 18 tháng và bé nói khá tốt. Bé có thể nhớ và nói chính xác tên của mọi người trong nhà, tên của bé. Bé có thể gọi tên được nhiều đồ vật, các con vật, có thể đếm từ 1 đến 10, đọc ca dao tục ngữ và hát một bài hát ngắn khoảng 5, 6 câu.
Tất nhiên mình không cho là con mình thông minh hay hoạt khẩu vì nhiều bé còn hơn thế nữa. Nhưng mình cũng gặp nhiều bà mẹ tâm sự rằng con họ đã 2 tuổi nhưng không nói được nhiều hoặc có bé mười mấy tháng nhưng chưa gọi được ba, mẹ rành rọt. Vì vậy mình hi vọng bài viết này sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như mẹo nhỏ để giúp các mẹ trong việc tập nói cho con.
1. Hãy để bé sống trong môi trường “có tiếng nói”
Một đứa trẻ khó có thể nói được nhiều được tốt nếu sống trong môi trường “không có tiếng nói”. Môi trường ở đây trước hết là ở những người trong gia đình bé. Đặc biệt là người chịu trách nhiệm chăm sóc chính cho bé.
Điều này không có nghĩa là buộc bạn phải nói cả ngày, nói thật nhiều mà là nói có chủ đích. Bạn nói trước hết để bé có khái niệm về từ được sử dụng. Thứ hai, bạn nói để cho bé nhớ. Để làm được điều này, bạn cần lặp lại từ được nói nhiều lần vào những thời điểm khác nhau. Ví dụ: khi cho bé tắm, khi rửa tay cho bé, khi cho bé uống nước, bạn chỉ nước và nói “nước”, dù bé có thể chưa nói được nhưng bé đã hình thành khái niệm thế nào là nước và nước dùng để làm gì.
Bé Mon đáng yêu khi được 6 tháng tuổi.
2. Thời điểm tập nói
Chúng ta thường cho rằng để cho trẻ tập cười, tập lật, tập ngồi rồi mới tập nói. Điều này không đúng. Trẻ có thể tập nói từ khi trong bụng mẹ. Khi mang thai, mẹ và bố cần thường xuyên trò chuyện với bé, bé có thể chưa nói được nhưng bé có thể nhớ giọng nói của bố mẹ và đã có khái niệm cơ bản về giao tiếp.
Sau khi bé chào đời, chúng ta có thể trò chuyện với bé. Điều này giúp gắn kết tình cảm với bé, khiến bé vui và hơn nữa giúp bé thực hành được những gì bé học được khi trong bụng mẹ.
Tuy nhiên bạn cần sử dụng từ ngữ cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. Đối với một bé bắt đầu tập nói, nếu bạn nói “đèn đang sáng”, “nước đang chảy”, “con mèo bắt chuột” thì chẳng khác nào là bài toán khó. Ban đầu bạn nên tập cho bé nói với các từ đơn và dễ nói như “ba, bà, bé”. Khi bé đã nói được từ đơn, bạn bắt đầu “nâng cấp” lên một tí là nói hai từ, ba từ. Cứ thế bạn nâng dần số lượng và sự phức tạp của từ lên.
3. Phương pháp tập nói
- Trò chuyện với bé là phương pháp hiệu quả cho việc này. Nhưng trò chuyện với bé cũng là một nghệ thuật. Cần nói chậm rãi, âm lượng vừa phải và theo dõi phản ứng của bé. Bạn cần xác định bé có nghe được bạn nói không, bé có đáp ứng lại không, bé có hiểu không?
- Ngoài ra, hát ru và nghe nhạc cũng giúp bé phát triển ngôn ngữ. Khi bé có thể nói được bốn đến năm từ là lúc bạn có thể dạy bé hát những bài hát có từ đơn giản, dễ phát âm. Bắt đầu với một, hai câu hát; sau đó nâng dần số lượng và độ phức tạp lên.
- Đọc sách, báo và kể truyện. Bạn đừng cho rằng trẻ nhỏ không biết đọc và không hứng thú với việc đọc. Thật ra khi trẻ được hai tháng tuổi hoặc khi bàn tay trẻ trở nên linh hoạt hơn, việc đọc sách báo có tác dụng rất tốt trong việc phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và cả vận động của bé.
Con trai tôi khi hai tháng rưỡi đã rất chăm chú khi mẹ lật từng trang báo mẹ và bé, bé cũng biết ngước nhìn và theo dõi những con vật trong truyện cổ tích. Sách, báo và truyện cũng là cách rất tốt khi bạn muốn dạy cho con khái niệm về đồ vật, động vật. Bạn có thể chỉ vào con mèo trong câu truyện và nói với con là “mèo”. Việc lặp đi lặp lại sẽ hình thành trong bé hình ảnh một con mèo là như thế nào mà không cần bạn phải miêu tả kiểu như mèo có bốn chân, có ria mép.
- Dạy bé đếm và học ca dao, tục ngữ cũng là một phương pháp tốt cho việc tập nói. Tất nhiên chúng ta không bắt bé phải ngồi vào bàn, rồi học như học sinh mà dạy bé một cách có ứng biến. Trước khi bé ngủ, kể chuyện cho bé nghe: bạn lồng vào câu chuyện nhưng tình tiết như có một, hai, ba con heo…
Khi mát xa cho bé, bạn vuốt ve ngón tay, ngón chân bé và đếm: một, hai, ba… Khi cùng bé chơi ở những khu vực có hồ nước, suối; bạn có thể dạy bé nói câu tục ngữ đơn giản như “nước chảy đá mòn”.
Tất nhiên là bất kỳ từ nào bạn muốn bé nói, muốn dạy bé; bạn cần lặp đi lặp lại cho bé nhớ, nói từ đơn giản đến phức tạp và phải phù hợp với giai đoạn phát triển của bé.
Mon đi chơi biển.
- Phương pháp mà mình rất tâm đắc và áp dụng nhiều đó là “nghe, nói và sờ”. Những gì bé được học, được tập – bạn phải cho bé thực hành. Trẻ không thể có khái niệm và nhớ tốt nếu chưa được tận mắt, tận tay biết đó là gì. Ví dụ bạn muốn bé nói được từ “con chó”; bạn có thể bắt đầu cho bé khái niệm thông qua tranh ảnh, sách báo, truyền hình nhưng sau đó nếu có điều kiện bạn nên cho bé thấy con chó thực là như thế nào.
Đối với những vật vô hại, bạn nên cho bé sờ, ngửi, nếm nếu có thể. Ví dụ tốt trong trường hợp này là quả mít. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên là chỉ cần ngửi thấy mùi thơm của quả mít, bé có thể nhận ra ngay và nói “mít”. Đây là phương pháp không chỉ phát triển về ngôn ngữ mà còn giúp rất ích trong việc phát triển trí tuệ, hình thành nên kỹ năng của bé về khướu giác, xúc giác và vị giác.
- Giao tiếp với người khác. Người khác ở đây chính là những người không phải là người thân thuộc của bé. Bé có thể cho rằng bạn quá “quen mặt” với bé nên bạn có thể hiểu được bé dù bé diễn đạt còn kém, thậm chí bé có thể lười nói với bạn. Nhưng với một người khác lần đầu tiếp xúc, để diễn đạt bé có thể vận dụng “mọi công lực” có thể. Như vậy sẽ giúp bé phát triển tốt khả năng nói, suy nghĩ và trở nên dạn dĩ hơn trong giao tiếp. Điều này không có nghĩa là mẹ hoặc người thân sẽ thỏa hiệp với bé khi bé lười nói, không thích nói.
Bé cho rằng chỉ cần bé chỉ con búp bê, chiếc xe hơi là mẹ có thể lao ngay tới và lấy nó cho bé. Nếu bạn làm vậy, bạn đã thỏa hiệp. Khi bé đã có thể nói được thì bạn cần buộc bé nói để bé nhớ và nói tốt hơn. Mẹ phải giả vờ như không hiểu, hỏi lại bé rằng: Con muốn lấy gì?, khi đó buộc lòng bé phải nói.
- Xem ti vi. Mình thấy rất nhiều người cho rằng để trẻ xem ti vi sẽ khiến trẻ chậm nói vì giao tiếp chỉ một chiều. Điều này chỉ đúng nếu bạn cho trẻ xem ti vi một cách thụ động. Ngược lại nếu bạn cho trẻ xem ti vi với chương trình phù hợp, ngồi bên cạnh và trò chuyện, bàn luận cùng bé thì sẽ giúp bé nói tốt hơn.
Hình ảnh trên ti vi sẽ cho bé một khái niệm đầy sống động về từ được học. Ví dụ như: con voi thế nào, to lớn ra sao, âm thanh nó phát ra thế nào? Điều này bạn khó mà diễn tả cho bé và khó mà cho bé thấy trên thực tế.
Trên đây là một số kinh nghiệm và mẹo nhỏ mà mình lượm lặt được trong quá trình tập nói cho con. Hi vọng có thể giúp các mẹ tham khảo để giúp bé yêu nói tốt hơn!
20 ký hiệu mẹ nên dạy con khi bé chưa biết nói
Nguồn bài viết: AFamily.VN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét