Vũ Phương Thảo (29 tuổi, Hà Nội) là một người phụ nữ năng động Ngoài công việc truyền thông, chị còn nổi tiếng trên cộng đồng mạng bởi những “chiêu” chăm con liều lĩnh của mình.
Profile:
Tên mẹ: Vũ Phương Thảo
Tên bé lớn: Nguyễn Vũ Minh Hà – tên ở nhà Thỏ – sinh năm 2010
Tên bé út: Nguyễn Vũ Minh Ngọc – tên ở nhà Cáo – sinh năm 2012
|
Khác với quan điểm của đại đa số các bà mẹ là cần mềm mỏng với con nhỏ nhưng chị Thảo sẵn sàng dạy con bằng nước mắt và roi vọt nếu cần thiết. Ngay từ khi kết hôn và có bầu bé Thỏ, vợ chồng chị đã xác định là sẽ “Không ông bà – Không giúp việc” để cả hai cùng cố gắng vì gia đình nhỏ.
Hiện tại, bé Thỏ đã 38 tháng, đang trong giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”. Chị bảo, bé khá bướng bỉnh và ngang ngạnh, tuy nhiên lại rất tình cảm, nhường nhịn và có chút nhút nhát. Ở tuổi này bé bắt đầu hình thành tính cách khá rõ ràng: yêu/ ghét – mà không để người lớn áp đặt như khi còn bé, do đó với Thỏ, chị phải tập trung dạy nhiều hơn là nuôi như thời kỳ trước đây.
Bé Cáo mới 13 tháng, đang trong giai đoạn học ăn, học nói, tập đi, tập chạy, mọi thứ đều rất mới mẻ và thú vị đối với bé. Tính cách Cáo mạnh mẽ và kín đáo hơn chị, nhưng cũng ghê gớm, sắc sảo hơn.
Gia đình chị Phương Thảo.
Hai bé Thỏ (phải) và Cáo (trái).
Hai bé tuổi sát nhau như vậy, chắc bạn phải “luôn chân luôn tay” chứ?
Cũng không hẳn, vì mình rèn con “tự phục vụ” từ sớm nên bản thân cũng không quá tải. Bạn Thỏ biết tự xúc ăn từ lúc 15 tháng, giờ bé tự đánh răng, rửa mặt, đi giày dép, khoác ba lô đi học mỗi sáng, bé luôn có khả năng sáng tạo trò chơi, tự ăn, tự ngủ, mà không cần bố mẹ… Bé Cáo 13 tháng cũng tự ăn một vài đồ mềm như sữa chua, phô mai… Khi ăn, bé tự ngồi ghế ăn. Bé ăn 1 mình và tự hút nước trong bình khi khát. Các bé cũng tự chơi trong khi mẹ bận nấu cơm, dọn dẹp, dù đôi lúc cũng tranh giành, cãi vã.
Ai gặp cũng phải bất ngờ về độ độc lập của hai bé.
Bạn rèn kỹ năng này cho hai bé có vất vả không?Cũng có chút chút, nhưng sau thì rất nhàn. Ví dụ, trong việc cho con ăn, mình để con tự ăn, con được phép bốc thức ăn, nếm thử khi còn nhỏ (từ 10-15 tháng) và phải tự xúc khi trên 15 tháng. Các bé làm rơi thức ăn trên quần áo, di trên nền nhà, bàn ăn… nhiều khi đi dọn còn mệt hơn rất nhiều so với việc ngồi xúc cho con, nhưng mình muốn con được tự lập, được thưởng thức đồ ăn theo cách con muốn.
Trong việc cho con ngủ, mình hạn chế ôm ấp (dù trong lúc chơi, lúc học – mình rất hay tranh thủ ôm con, nói yêu con thật nhiều để con luôn cảm nhận được tình cảm gia đình), hạn chế xoa lưng, hát ru, bế bồng – vì nhà chật nên các con chưa có điều kiện ngủ riêng nhưng luôn nằm ở những góc riêng, tự ôm gối và ngủ.
Ngoài ra, mình còn dạy các con làm việc nhà. Bạn Thỏ từ lúc 2 tuổi, luôn được làm việc nhà cùng mẹ, dù đó là việc gì. Mẹ nấu cơm, bạn sẽ rửa rau (dù sau đó, bạn ướt từ đầu tới chân, mẹ phải dọn nhà, lau nhà, tắm cho bạn, và cả nhà phải ăn rau nát), mẹ quét nhà thì bạn vác giẻ theo lau (dù không ít lần bạn ngã vì trơn, nhà lau bẩn hơn cả chưa lau), mẹ làm bánh thì bạn ấy nhào bột (mất ½ số lượng bột rơi vãi lung tung, hoặc bột đổi màu vì tay bạn vày vò…) nhưng bước qua các giai đoạn bạn nghịch, phá, chơi, thì giờ bạn Thỏ đã giúp được mẹ khá nhiều việc.
Hiện tại bạn Thỏ có thể nhặt rau, vo gạo cho mẹ, dọn nhà, dọn đồ chơi, cho quần áo bẩn vào máy giặt, cùng mẹ dọn mâm, rửa bát, xếp bát, giúp mẹ vứt rác, lấy bỉm, lấy đồ ăn cho em, giúp mẹ trông em khi mẹ bận… nói chung Thỏ là 1 trợ thủ đắc lực không thể thiếu của mình.
Theo bạn, điều quan trọng nhất để rèn cho bé tính tự lập và chia sẻ việc nhà với cha mẹ là gì?
Để con tự lập và cùng chia sẻ việc nhà với mẹ, theo mình, mẹ phải học cách kiên nhẫn. Không còn cách nào khác ngoài việc mẹ phải kiên trì dọn dẹp hậu quả mỗi khi con thực hiện công việc thì ít và bày bừa, làm bẩn thì nhiều. Sau một vài lần hướng dẫn con làm, và 5 – 7 lần dọn cho con, cứ kiên trì, sẽ đến lúc con làm được nhiều việc thực sự giúp đỡ mẹ!
Là người bận rộn nhưng Thảo luôn ưu tiên gia đình là số 1.
Hai nàng công chúa đều còn nhỏ, chắc tị nạnh nhau ghê lắm, phải không Thảo?
Có chứ, nhưng với cả hai bé, tiêu chí của mình bao giờ cũng là công bằng, vì hai con chỉ cách nhau 25 tháng, Thỏ phải làm chị quá sớm và Cáo có chị quá nhỏ tuổi nên cả hai con phải chia sẻ với nhau rất nhiều thứ và nhiều nhất là sự chăm sóc của mẹ.
Làm sao để bạn luôn đảm bảo tính công bằng đó?
Công bằng không có nghĩa là ngang như nhau. Với mình, công bằng là lớn phải biết nhường nhịn và bé không được đành hanh.
Khi chịThỏ đánh và giằng đồ chơi của Cáo. Mình làm lại điều đó với Thỏ, để con hiểu: “Con lớn hơn em, con đánh được em, thì mẹ lớn hơn con, cũng sẽ đánh con như thế. Con có đau không? Con đau thì em cũng đau”. Ngược lại, khi em Cáo đành hanh, đánh chị, em cũng bị mẹ phạt.
Bạn không nghĩ rằng con quá nhỏ để hiểu điều đó? Và như vậy là hơi khắt khe với bé? Có thể cũng những phương pháp khác mềm mỏng hơn cơ mà. “Kỷ luật không nước mắt” chẳng hạn?
Mình nghĩ mỗi bà mẹ đều có 1 phương pháp riêng phù hợp với từng bé, rất khó để có một công thức chung cho tất cả các bé, vì các con là những cá tính khác nhau, nhưng thể chất và tinh thần khác nhau. Mình luôn cố gắng học hỏi các phương pháp và thử nghiệm với các con, xem phản ứng tích cực hay tiêu cực để điều chỉnh.
Tổ ấm của nhà Thỏ Cáo Mình ủng hộ “dạy con không nước mắt” nhưng vẫn phải có nước mắt khi cần thiết. Mình nhớ, có lần con nghịch điện, dù tất cả các ổ điện con có thể với tới mình đều đã bịt kín, mình đã dặn con nhiều lần, nhưng khi đó bé hơn 2 tuổi, tò mò vô cùng, cứ cố cậy cái bịt điện ra – mình không ngần ngại lấy 1 cây kim, châm vào ngón tay bé, 1 giọt máy chảy xuống – bé rất khóc to – mẹ đẻ mình lúc đó đang qua chơi, bà sợ quá, chay ra định ôm cháu, nhưng mình cản ngay: “Bà để con dạy cháu, nếu không lần sau cháu sẽ nghịch điện tiếp, thì đâu chỉ là chảy máu tay, mà còn có thể mất tính mạng”.
Với mình, đòn roi không phải là cách để dạy con, nhưng là công cụ khi cần để con hiểu, khi con làm sai, đặc biệt với những trường hợp nguy hiểm (như nghịch điện, leo trèo lan can,…) thì con phải bị phạt. Những việc mình làm cứ từ từ, vừa thực hiện vừa nghiệm lại xem nên duy trì hay thay đổi.
Từ chuyện này, mình cũng mang tiếng “dã man” trong nhà (Cười). Cũng may, về sau, bé không bao giờ còn sờ vào những ổ điện nữa.
Tất cả những chia sẻ đó có lẽ bạn có thể hiểu được rằng, mình đã có những lúc mệt mỏi vô cùng vì phương pháp dạy con khác với quan niệm các cụ nhiều. Nhưng rất may mắn là ông xã mình thì yêu con vô cùng, rất chịu khó học, đọc sách, báo về phương pháp dạy con. Anh rất thích chơi với con, dù rằng toàn phải chơi các trò nấu ăn, búp bê rất con gái. Có thể nói anh là 1 người bố khá chuẩn mực, hết giờ làm là về đón con, chơi với con cho vợ nấu cơm, dọn mâm bát và đôi khi rửa bát giúp vợ khi vợ mệt, rồi lại cùng vợ chơi với con, học với con buổi tối.
Cảm ơn những chia sẻ rất thú vị và đáng yêu của mẹ Thỏ Cáo!
Cùng nghe Hoàng My – giáo viên dạy đàn piano chia sẻ cách dạy con
Nguồn bài viết: AFamily.VN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét