Hiển thị các bài đăng có nhãn tuổi trẻ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tuổi trẻ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

GiadinhNet – Khi trẻ em bị người lớn hơn, mạnh hơn bạo lực thì trong tư duy của trẻ sẽ hình thành suy nghĩ “ai mạnh, kẻ đó thắng”. Trẻ cũng sẽ học cách giải quyết tranh chấp bằng bạo lực, lớn lên có thể chính những trẻ này sẽ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn với người khác.





Quá căng thẳng, mẹ dồn tức giận lên đầu con 1


Trẻ em có tỷ lệ bị bạo lực cao nhất và người gây bạo lực thường là cha mẹ. Ảnh minh họa.


Mẹ mắng chửi con nhiều hơn bố


Cháu Lâm Anh, 10 tuổi ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là khách hàng của đường dây tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) cho biết, trong nhà mẹ và bà ngoại là người hay mắng cháu nhất. Bố của Lâm Anh là bộ đội thường xuyên vắng nhà. Mẹ là giáo viên cấp 2 dạy môn địa lý. Lâm Anh thường xuyên ở nhà với mẹ và bà ngoại. Lâm Anh kể: Lúc nào bà và mẹ cũng mắng cháu vô tích sự, lười như hủi, ý thức kém. Bà cũng như mẹ, mỗi lần dạy cháu học thì nổi điên lên, cốc vào đầu cháu rất đau. Cháu rất chán mỗi khi ở nhà…


Mặc dù chán ở nhà nhưng đến trường Lâm Anh lại là đứa trẻ hay gây gổ và đánh các bạn. Ths tâm lý Nguyễn Hồng Lê, chuyên gia tư vấn của Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho biết: Trong quá trình tư vấn, chị đã phát hiện thấy sự việc có tính chất “nhân – quả” này. Cháu Lâm Anh đã học từ mẹ và bà ngoại việc giải quyết mâu thuẫn, khẳng định uy quyền của mình bằng bạo lực.


Một trường hợp trẻ bị bố mẹ mắng chửi khác là cháu T ở Sơn Tây. Mẹ của cháu T là chị Hồng, là khách hàng của Văn phòng tham vấn Gia đình và Trẻ em Vala (Hội Khoa học tâm lý – Giáo dục Việt Nam). Thấy con học kém, chị Hồng đã đưa cháu T đến Văn phòng Vala để được tư vấn, hỗ trợ phương pháp học tập. Tại đây, Văn phòng đã phát hiện cháu T thường xuyên bị chính mẹ chửi mắng. Chị Hồng đã “tự thú” với bà Nguyễn Lâm Thúy, chuyên gia tư vấn của Văn phòng rằng: Chồng chị gần như giao hết việc gia đình, nuôi dạy con cái cho chị. Nhiều khi vì căng thẳng nên chị đã không kiềm chế được, thường hay dồn tức giận lên đầu con. Có lần chị quẳng cả đĩa cánh gà vì con không chịu ăn, có lần xé cả sách vở của con vì dạy mãi mà cháu T không hiểu bài… Mặc dù rất thương con nhưng vì quá căng thẳng, chị Hồng đã khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ.


Trẻ em có tỷ lệ bị bạo lực cao


Tại Hội thảo đối thoại “Chuyển hóa bạo lực” được tổ chức giữa tháng 12 vừa qua tại Hà Nội,  anh Phạm Quốc Nhật, chuyên viên Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL cho rằng, có thể đối tượng chính bị bạo lực gia đình là trẻ em chứ không phải là phụ nữ.


Anh Nhật đã cung cấp thông tin từ một cuộc nghiên cứu khoa học do Bộ VH,TT&DL thực hiện đã được nghiệm thu cấp cơ sở cho biết, trẻ em có tỷ lệ bị bạo lực cao nhất và người gây bạo lực chính là cha mẹ của các em. Trong đó tỷ lệ các bà mẹ mắng chửi con cao hơn bố.


Mắng chửi là một hình thức bạo lực tinh thần, đây cũng là hình thức bạo lực phổ biến hiện nay. Song, tại Tổng đài tư vấn, hỗ trợ trẻ em của Bộ LĐ,TB&XH thì việc trẻ em bị bố mẹ mắng chửi không được xếp vào nhóm bị bạo lực gia đình. Tình trạng này được xếp vào vấn đề quan hệ ứng xử của bố mẹ với con cái. Điều đáng nói là tổng số các cuộc gọi về vấn đề quan hệ ứng xử của bố mẹ với con cái tại Tổng đài lúc nào cũng chiếm trên 50% tổng số cuộc gọi.


Theo anh Nhật, lâu nay công tác truyền thông về bạo lực gia đình bị cuốn theo hình thức đổ lỗi cho ai đó và coi phụ nữ là nạn nhân chính. Thực tế, trẻ em mới  chính là đối tượng bị bạo lực cao nhất. Trong gia đình, trẻ thường bị người lớn hơn như bố mẹ, ông bà, anh chị bạo lực. Đến lớp có nguy cơ bị bạn bè lớn hơn, thậm chí là thầy cô giáo bạo lực.


Cũng theo anh Nhật, bạo lực gia đình tồn tại là có yếu tố “văn hóa bạo lực” được bám rễ, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, ngoài ra còn có sự hạn chế về kỹ năng sống. Do vậy, giải quyết vấn đề bạo lực gia đình phải giải quyết từ cái gốc văn hóa, chúng ta không nên tìm cách đổ lỗi cho nam hay nữ là đối tượng chính gây bạo lực gia đình. Giáo dục từ gia đình và nhà trường phải hướng đến những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ giữa người với người bằng sự bao dung, sự công bằng, sự tôn trọng, bằng lý lẽ không nên giải quyết bằng quyền lực, sức mạnh.

 

Mạc Vi

Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Uống càng nhiều nước mía càng tốt cho con, uống nước có gas để dễ tiêu hóa, ăn nhiều trứng ngỗng cho con thông minh… khiến không ít thai phụ đã rước họa vào thân khi có nguy cơ bị tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ.


Có thai hơn sáu tháng nhưng bụng của chị Y. (Long An) đã “vượt mặt”. Nhìn chị đi khám thai tại một bệnh viện ở TP.HCM, nhiều người nghĩ chị Y. sắp sinh đến nơi rồi. “Bác sĩ đang bảo tôi ăn ít lại, hạn chế đồ ngọt, tinh bột vì em bé to quá. Huyết áp mẹ đang lên, sợ nhiều nguy cơ” – chị Y. phân trần. Có lẽ một phần nguyên nhân của việc này là do chị “mải miết” ăn đồ ngọt, ăn trứng ngỗng.


Người ăn tối đa, người sợ tăng cân


PGS.TS Lưu Thị Hồng – vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế – kể chuyện ăn thứ này khỏe, thứ kia tốt cho thai nhi lan truyền rất nhanh ở phụ nữ mang thai. Một dạo tại một số tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…, rất nhiều phụ nữ mang thai “xui nhau uống nước mía” với mong muốn không những con sinh ra sạch sẽ, ít nhớt mà còn bổ dưỡng cho thai nhi về trí tuệ và cả “sắc đẹp” nữa.


Những món bồi bổ sai lầm của thai phụ 1

  

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – phó chủ tịch Hội Phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch VN, chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM – cho biết ngoài nước mía, danh sách thực phẩm, thức uống bổ dưỡng mà phụ nữ mang thai nghĩ có thể ăn uống tối đa còn “dài”. Nhiều người ăn quá nhiều đồ ngọt, tinh bột với ý nghĩ để con to, khỏe; uống nước ngọt có gas để không bị táo bón, dễ tiêu hóa. Một số bà mẹ ăn quá nhiều trứng gà, vịt, ngỗng với mong muốn con đẹp, thông minh. Một số bà mẹ khác lại ăn nhiều trứng vịt lộn với mong muốn con “nhiều tóc” hay uống nhiều nước dừa để con “trắng như trứng gà bóc”. Một số phụ nữ lại chỉ ăn thịt, cá, tôm, cua, ăn mặn mà không chịu ăn rau xanh vì nghĩ… rau không có chất gì. Ở chiều trái ngược, nhiều phụ nữ do sợ tăng cân nhiều, sợ “mất dáng sau sinh”, con to khó đẻ lại chọn đến giải pháp ăn kiêng, chỉ ăn tinh bột hoặc trái cây, hạn chế ăn thịt, cá, thậm chí hạn chế cả uống các loại sữa.


Nguy hiểm cho cả mẹ và con


PGS.TS Lưu Thị Hồng cho biết phần lớn trong số phụ nữ “xui nhau uống nước mía” trong thai kỳ mong muốn con sinh ra to để dễ nuôi. Nhưng việc uống nhiều nước mía và các thực phẩm, thức uống có nhiều đường khác chưa hẳn tốt cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Người có đường huyết bình thường uống nước mía sạch thì không có gì là không tốt, nhưng mang thai mà uống quá nhiều thì không nên. Vì thành phần cơ bản của nước mía là đường, uống nhiều đường dễ no bụng, nhiều năng lượng mà dinh dưỡng không nhiều. Trong khi đó, phụ nữ mang thai cần nhiều vi chất, cần ăn, uống đa dạng. Không những vậy, việc tiếp nhận nhiều đường trong thai kỳ còn khiến người mẹ dễ bị đường máu cao, tiểu đường thai kỳ, nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.


“Nhiều phụ nữ cứ thích sinh con to, càng to càng tốt. Nhưng trẻ sinh ra càng to càng nhiều tai biến” – PGS.TS Lưu Thị Hồng cho biết. Theo bà Hồng, những em bé sinh ra với cân nặng từ 3-3,5kg sẽ dễ chăm sóc hơn so với những bé từ 4kg trở lên. Đối với những bé có cân nặng lớn, ngay khi sinh xong đội ngũ y bác sĩ phải theo dõi cơ chế đái tháo đường để không bị hạ đường huyết, nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, những trẻ có cân nặng lớn còn hay mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa. Tỉ lệ trẻ sinh ra to “bất thường” và tỉ lệ phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ ngày một tăng, một phần cũng có nguyên nhân từ việc bồi bổ sai lầm của nhiều phụ nữ mang thai hiện nay.


Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng phân tích thêm ăn uống trong thai kỳ của phụ nữ mang thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cả mẹ và con. Bà từng gặp nhiều trường hợp bị băng huyết sau sinh do thiếu máu khi trong thai kỳ vì sợ tăng cân nhiều nên ăn kiêng. Có trường hợp mẹ bị tiền sản giật, cứu được con thì đã không còn mẹ, thậm chí tử vong cả con lẫn mẹ do mẹ không chịu ăn rau, ăn quá mặn trong thai kỳ. Lại có trường hợp người mẹ uống nước dừa khi bụng đói, ngất xỉu ngay trên bàn siêu âm…


Dinh dưỡng trong thai kỳ cần ăn uống đủ chất, cân đối giữa bốn nhóm gồm: đạm, bột đường, béo và rau củ, trái cây. Việc ăn uống một chất nào quá mức làm mất cân đối bốn nhóm dinh dưỡng đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của mẹ.


Để ăn uống đúng với tình trạng sức khỏe của từng người, bác sĩ Phượng khuyến cáo thai phụ cần khám thai đều đặn. Ngoài những chỉ định, tư vấn thông thường, khám thai đều đặn còn giúp những người mẹ được làm các xét nghiệm dị tật thai nhi, bệnh lý thiếu máu Thalassemia, các bệnh lý trong thai kỳ…

 




Những thực phẩm thai phụ cần tránh


Uống rượu, cà phê vì ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ; hút thuốc gây tình trạng trẻ nhẹ cân, dễ bị sẩy thai, sinh non; uống trà nhiều làm giảm hấp thu sắt, mẹ dễ thiếu máu…



Theo Mỹ Dung (Tuổi Trẻ)


Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Các chuyên gia tâm lý sẽ chỉ ra một vài dấu hiệu cho thấy con bạn có thể bị bạo hành ở trường. Ngày hôm qua (17/12), trên khắp các trang tin lẫn mạng xã hội đều sôi sục vì video clip bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh. Hành động nhẫn tâm của cô giáo và bảo mẫu trong clip này đã khiến cả xã hội phẫn nộ và lo lắng cho các thế hệ mầm non tương lai.

Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh có con em được gửi trong trường mầm non tư thục Phương Mai đều không nhận ra con mình bị bạo hành một thời gian dài. Thậm chí, có vị phụ huynh còn ngất xỉu khi lần đầu tiên chứng kiến cảnh con bị bóp cổ, tát bôm bốp vào mặt qua clip. Điều này khiến nhiều người tự hỏi: “Liệu các vị phụ huynh này không quan tâm tới con của mình hay thực tế, họ không biết cách nhận ra dấu hiệu con bị bạo hành?”

Rất nhanh chóng, nhóm phóng viên đã có một cuộc trao đổi ngắn với các chuyên gia tâm lý để xin tư vấn về vấn đề này.



Làm sao để phát hiện con bị bạo hành ở trường? 1
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng hành động hành hạ trẻ mầm non là hành động đáng bị lên án. Đánh trẻ là một hành động không có tâm và tầm nhìn của cô giáo trông coi trẻ (Ảnh: Tuổi trẻ)


Những ảnh hưởng tâm lý khôn lường khi trẻ bị bạo hành


Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Công ty tư vấn An Việt Sơn) cho rằng đánh trẻ là hành động  ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của trẻ. Trẻ bị đánh đập nhiều khi đến trường luôn mang tâm lý sợ sệt, lo lắng, mất hoàn toàn tính sáng tạo, không dám nói chuyện với cô giáo, bố mẹ về những nhu cầu thiết yếu của bản thân đơn giản vì trẻ sợ, sợ nếu làm trái ý của thầy cô chúng sẽ bị đòn roi, chửi rủa, bị “nhồi vào thùng nước cao”. 

Bố mẹ bận rộn nên chỉ mang con tới trường rồi an tâm công tác, không hiểu rằng trẻ có những nỗi niềm tâm sự riêng, trẻ sẽ suốt ngày lo lắng, nhìn cuộc sống, xã hội, người lớn một cách tiêu cực. Chúng sẽ đặt câu hỏi tại sao bố mẹ lại không quan tâm tới mình? Tại sao cô giáo lại hành xử như thế? Tóm lại, trẻ sẽ bị tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. 


Sự thiệt thòi này sẽ khiến trẻ dần hình thành tư tưởng phản đối ngầm, phản đối bằng tư duy chứ không dám hành động. Có những trường hợp chuyên gia gặp, trẻ sợ đi học, sợ cô giáo tới nỗi tè dầm không dám nói. Ký ức về sự đánh đập này sẽ đi theo trẻ suốt cả cuộc đời. Đặc biệt, ngoài sự lo âu, sợ sệt, trẻ có thể hình thành nên tính cách ngang bướng, tấm công người khác.

Cách phát hiện khi con bị bạo hành ở trường


Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, khi bị đối xử như trên, trẻ có biểu hiện tâm lý thường gặp là có những dấu hiệu giống trầm cảm hoặc bị trầm cảm; lo âu, sợ hãi và căng thẳng, đêm ngủ không ngon, dễ giật mình, có ác mộng, nghiến răng, cắn móng tay, lười ăn, dễ khóc, khi ăn dễ nôn trớ, thở nhanh, hồi hộp, toát mồ hôi, sợ hãi mỗi khi bố mẹ nhắc tới vấn đề đi học.


Ngoài những dấu hiệu trên, cha mẹ có thể phát hiện sớm con bị bạo hành bằng cách hãy quan sát cơ thể con sau mỗi ngày ở trường về, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân và đầu các khớp tay con xem có dấu hiệu gì bất thường hay không.


Bên cạnh đó, với những bé đã biết nói, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con, hỏi han con để bé kể những chuyện vui buồn ở lớp. Trong những câu chuyện có thể không đầu không cuối nhưng cũng sẽ giúp mẹ hiểu hơn về con khi ở lớp.


Cách bảo vệ con trước nạn bạo hành trường học

Rất ngắn gọn, chuyên gia tâm lý Hồng Hà nhận định, cha mẹ nên tìm hiểu, cân nhắc kỹ, lựa chọn cho con em mình học ở trường có chứng chỉ rõ ràng, chất lượng được đảm bảo. Thêm vào đó, cha mẹ cần dạy cho con mình những kỹ năng sống để không gây phiền hà, bực bội tới người khác và cũng là để bảo vệ bản thân. Dành thời gian chơi với con, lắng nghe con nói, tinh tế phát hiện ra những sự thay đổi trong con. Khuyến khích con nói chuyện với cha mẹ. 







 Bạn có muốn đọc tâm sự gây shock của một giáo viên mầm non đã bỏ nghề
Làm sao để phát hiện con bị bạo hành ở trường? 2

Nguồn bài viết: AFamily.VN