Phương pháp dạy con từ trong bụng mẹ (còn gọi là “thai giáo”) gần đây được nhiều mẹ bầu tìm hiểu và áp dụng.
Âm nhạc
Nghiên cứu của các bác sĩ tại Đại học Thượng Hải cho thấy nghe nhạc lúc vượt cạn sẽ giúp mẹ bầu giảm bớt cảm giác lo lắng căng thẳng và thai nhi bình tĩnh hơn. Nghe nhạc là một cách rất tốt có thể giúp bé trong bụng trải nghiệm cảm giác phong phú nhất trong liệu pháp thai giáo về âm nhạc. Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên chọn những bản nhạc cổ điển có giai điệu mạch lạc, bố cục rõ ràng, dễ thu hút được sự chú ý của bé trong bụng, như: Air on the G String của Bach, Water Music của Handel…
Ngoài ra, bố mẹ của bé có thể nghe và hát những làn điệu dân ca hoặc bài hát thiếu nhi để củng cố thêm tình cảm gia đình. Cả nhà cùng hát cũng mang đến bầu không khi vui tươi, phấn khởi, có lợi cho tinh thần của mẹ bầu và sự phát triển tâm lý của thai nhi.
Đọc sách
Mẹ bầu nên tạo ra những hình ảnh về các con vật, cây cối, bầu trời, mặt đất… bằng chính… giọng nói của mình thông qua việc đọc những cuốn sách. Trong quá trình đọc, nếu mẹ bầu tưởng tượng trong đầu theo đúng nội dung trong sách thì những hình ảnh đó sẽ được chuyển tiếp một cách sống động cho em bé trong bụng giống như một đoạn phim ngắn vậy.
Những câu chuyện cổ tích luôn nằm trong Top đầu lựa chọn của những cuốn sách mẹ bầu nên đọc trong 9 tháng mang thai. Trong truyện cổ tích có ước mơ, hy vọng, tình bạn, tình cảm gia đình, cái thiện, cái ác, các quan niệm xã hội… và quan trong là luôn hướng con người tới điều tốt đẹp. Ngoài truyện cổ tích, mẹ bầu cũng có thể lựa chọn các bài đồng dao, tác phẩm kinh điển hoặc một tác phẩm văn xuôi được đánh giá cao… để đọc theo sở thích.
Tập thể dục
Các bài tập tập thể dục có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể của mẹ bầu, bên cạnh đó còn giúp lưu thông máu, hỗ trợ chức năng tim, phổi, tiêu hóa. Vì vậy, mẹ bầu nào thường xuyên tập thể dục sẽ luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.
Các mẹ nên tập các bài tập thể dục được thiết kế riêng cho phụ nữ mang thai, các hoạt động ngoài trời như hít thở không khí trong lành, đi dạo… Một số môn thể thao như điền kinh, lặn, cưỡi ngựa, trượt tuyết… không những quá sức mà còn có thể khiến mẹ bầu bị thương. Vì thế, trong thai kì, dù yêu thích cỡ nào, mẹ bầu cũng nên tránh xa các môn thể thao này và những hình thức vận động gây mệt mỏi, căng thẳng.
Thị giác
Những năm gần đây, thai giáo bằng phương pháp thị giác đang ngày càng được nhiều người coi trọng. Phương pháp này hiểu một cách đơn giản là mẹ bầu càng nhìn thấy nhiều sự vật thì sự trải nghiệm thị giác của thai nhi càng phong phú.
Ví dụ, khi xem một bức tranh thì cảm nhận của người mẹ về màu sắc, cách vẽ… như thế nào sẽ được “truyền” sang em bé tương tự như thế. Vì thế, mẹ bầu nên ngắm nhiều tranh, ảnh, phong cảnh đẹp… để giúp phát triển thị giác và khả năng cảm nhận thông qua thị giác của bé được phát triển tốt.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống trong thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu mà còn tác động rất lớn đến thai nhi. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng với nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng và phát triển của thai nhi, giúp em bé luôn khỏe mạnh và duy trì thói quen “ăn ngon, ngủ kỹ” ngay từ trong bụng mẹ.
Theo các nhà nghiên cứu, thời gian phù hợp để mẹ bầu “nạp năng lượng” là 7 – 8h (ăn sáng), 12 – 13h (ăn trưa) và 18 – 19h (ăn tối). Mẹ bầu cần đảm bảo ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, không được bỏ bữa cũng như ghép bữa, không thể lấy lí do bận việc mà chỉ ăn uống qua loa. Ngoài ra, tốt nhất mẹ bầu không nên có thói quen ăn đêm.
Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN