Hiển thị các bài đăng có nhãn sẩy thai. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn sẩy thai. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Lập gia đình muộn. 40 tuổi. Tôi vẫn rất tự tin vào sức khỏe của mình. Chồng và tôi hòa hợp nên dường như chúng tôi trẻ hơn tuổi thật. Chỉ 4 tháng sau ngày cưới tôi có dấu hiệu mang thai.


Còn nhớ buổi sáng tôi thử quick stick thấy hai vạch, tôi rất vui, điện thoại khoe với ông xã lúc đó đang đi công tác xa. Buổi chiều, tôi cũng chuẩn bị quần áo đi công tác ở Hà Nội. Chuyến bay không êm dịu vì thời tiết xấu. Khi xuống sân bay và về tới khách sạn, tôi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi.


Khi tỉnh dậy khoảng nửa đêm, tôi vào nhà tắm và phát hiện quần lót có vệt màu hồng hồng. Chưa có kinh nghiệm gì về mang thai nên tôi cũng không nói gì với ai. Hôm sau tôi phải làm việc cả ngày. Buổi tối lại đi bách bộ với cô bạn ở Hà Nội một quãng đường dài. Sáng hôm sau, tôi lên taxi đi Bắc Ninh. Khi vừa bước xuống xe ở Bắc Ninh, tôi có cảm giác như có cái gì vừa lay động trong bụng dạ của mình. Lên đến phòng khách sạn, tôi vô cùng hoảng sợ vì thấy mình đã ra huyết như thấy tháng. Bay vào thành phố Hồ Chí Minh ngay hôm sau. Đi khám, bác sĩ nói tôi đã bị xảy thai. Lúc đó cái thai mới khoảng 5 tuần tuổi.


Từ cảm giác vô cùng tự tin và không một chút gì lo lắng về chuyện con cái, chúng tôi trở nên hết sức căng thẳng. Bác sĩ nói, có thể khả năng thụ thai của chúng tôi không có vấn đề gì. Nhưng tử cung của tôi vốn có u xơ, dù kích thước nhỏ nhưng cũng sẽ gây khó khăn trong việc giữ thai.



Càng xem xét, tham khảo thông tin trên internet cũng như từ bạn bè người thân, chúng tôi càng thấy ở tuổi này, nguy cơ trong thai sản là vô cùng lớn. Từ chuyện khả năng thụ thai còn tốt không, em bé có bị dị tật gì không đến  quá trình mang thai liệu có suôn sẻ không, thể chất và trí tuệ của con sau này có bình thường không?


Ngồi trong công viên nhìn ngắm mọi người dẫn con đi chơi, hay đi trên đường gặp những đứa bé xinh xắn, tôi nhiều khi trào nước mắt. Tôi sợ rằng mình không thể có con được nữa. Mọi người khuyên đừng quá căng thẳng. Cứ để mọi sự tự nhiên. Nhưng tự nhiên sao được khi đã ba tháng sau sự cố vừa rồi, tôi vẫn không thấy dấu hiệu gì của việc mang thai.


Chồng tôi là người bình tĩnh lại trước. Anh vẫn phải đi công tác nhiều, nhưng lúc nào ở nhà anh chăm sóc và yêu thương tôi hơn hẳn mọi khi. Nấu cho tôi ăn những món tôi thích, cùng tôi đi xem phim, về nhà ba mẹ. Anh xin nghỉ phép để hai vợ chồng đi nghỉ ở những vùng biển mà tôi vốn ưa chuộng. Anh nói đùa “Tướng em mắn lắm, làm sao mà lại không có con được nữa”. Dần dần anh làm tôi không còn nghĩ nhiều đến sự cố vừa rồi và yêu đời trở lại.


Khoảng gần 5 tháng sau sự cố, tôi lại có thai. Cầm que thử hai vạch trên tay, tôi mừng rớt nước mắt. Chồng tôi hình như còn vui hơn. Đi khám bác sĩ, kết quả là có thai khoảng 4 tuần tuổi. Nhưng tôi vẫn lo sợ khi mốc 5 tuần ám ảnh đến. Sau 5 tuần mấy hôm, buổi sáng ngủ dậy, tôi lại thấy vệt hồng hồng trên quần lót. Chồng đi công tác. Tôi vội vàng điện thoại cho mẹ rồi lên giường nằm. Mẹ tôi đến, bà nói không đi khám nữa, đi lại nhiều bây giờ không tốt, để bà đi cắt thuốc bắc. Mẹ đi rồi đem về 3 thang thuốc bắc và sắc cho tôi uống. May làm sao, uống hết thang thứ hai thì hiện tượng ra máu hết. Tôi đổi nơi khám bệnh để tránh những ám ảnh trước đây.


Tôi đọc tất cả những tài liệu tìm được về việc mang thai và sinh con. Hồi hộp chờ đợi những lần khám thai kế tiếp. Tôi và chồng đều đã lớn tuổi. Đọc những bài viết về chỉ số độ mờ da gáy, tôi lại lo sốt vó. May mắn làm sao, độ mờ da gáy của bé trong mức chỉ số an toàn. Nhưng câu chẩn đoán của bác sĩ lại làm tôi lo lắng “Chưa phát hiện bệnh lý”. Tôi hỏi chị bạn làm ngành y, chưa là thế nào, chị ấy bảo bác sĩ sẽ luôn viết như vậy vì độ mờ da gáy cũng chỉ để xác định mức nguy cơ của một số bệnh chứ không phải là tất cả. Vừa thở phào, lại lo tiếp.


Lúc thai được hơn 3 tháng, tôi có việc phải đi công tác tại Cần Thơ. Vì một cái hẹn sát nút ở Sài Gòn mà lượt về tôi buộc lòng lại phải đi máy bay. Khi bước chân lên cái máy bay nhỏ xíu, cảm giác lo lắng càng tăng khi nhiều ghế trống, hành khách chỉ khoảng mười mấy người. Lần bay này thời tiết không hề xấu vậy mà bay được khoảng 10 phút máy bay chợt nhảy chồm lên như va vào ổ gà. Rồi cứ vậy rơi thẳng xuống. Lâu đến mức cả máy bay nhốn nháo. Rồi đột ngột khựng lại và ào ào ngóc đầu bay thẳng lên. Tay tôi bám chặt vào đệm ghế, cố gồng mình để không bị xô đẩy quá nhiều, nhưng bụng vẫn đau nhói. Tối, về đến nhà, tôi lại bắt đầu bị rong huyết. Đi khám, kết quả là động thai, nhau bóc tách 5%.



Đi khám, bác sĩ cho thuốc và bắt nằm yên một tuần. Từ đấy cả bác sĩ và mẹ tôi đều cấm ngặt không cho tôi đi đâu xa nữa. Thực ra những lần nguy hiểm như vậy toàn do tôi tự gây ra. Còn con tôi lại rất ngoan. Không hề hành mẹ ốm nghén hay sợ một món ăn nào. Mới có bầu mà tôi phây phây ăn uống ngon lành, thấy còn ngon miệng hơn cả lúc trước đây.


Mọi chuyện êm ả trôi qua. Tôi đã qua thời gian 3 tháng nguy hiểm nhất nên cũng thấy nhẹ nhõm hơn. Tưởng rằng vậy là đã hết mọi ưu phiền. Nhưng không. Khi tôi có thai được hơn 5 tháng, cha tôi đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim. Nỗi đau quá lớn làm tôi không thể nào gượng lại được.


Sau 5 ngày quay cuồng lo đám tang cho cha, buổi sáng thức dậy tôi không thấy bé máy nữa. Bình thường, bao giờ bé cũng dậy trước mẹ và “khua khoắng” để đánh thức mẹ dậy theo. Hoảng kinh hồn vía, tôi nghĩ tới bao nhiêu chuyện xấu. Mẹ tôi cũng không giữ được bình tĩnh, ngồi khóc. Tôi xoay trở, xoa bụng rồi vỗ nhẹ nhẹ mà cũng không thấy con trả lời. Đến lúc đành dậy mặc quần áo để đi khám thì bé mới búng nhẹ một cái. Có lẽ cái mừng mừng tủi tủi của tôi khi thấy con cử động nhẹ trong bụng cũng hạnh phúc không khác gì lúc biết được mình đã có thai. Đi khám ngày hôm đó tôi sụt mất 2kg. Bác sĩ nói, bé cũng bị mệt theo mẹ và vì mẹ quá căng thẳng. Và chính lần siêu âm ở một phòng siêu âm không chuyên về sản ấy, chị bác sĩ đã nói với tôi, bé là con trai.


Ngày sinh tới gần, bác sĩ đo nước ối rồi bảo tôi. Nước ối hơi ít đấy em, về phải uống nước nhiều cho chị. Một tuần sau tái khám thì nước ối đã đạt mức bình thường. Bác sĩ dặn, bình thường rồi, nhưng vẫn phải uống nhiều nước trong ngày nhé.


Tháng cuối cùng, trọng lượng của bé tăng thật nhanh. Mẹ cũng phấn khởi theo. Nhưng chân mẹ phù quá nên bác sĩ quyết định mổ. “Em lớn tuổi rồi, con hiếm nên mổ cho an tâm”. Vậy là đúng ngày đúng giờ, tôi nhập viện rồi lên bàn mổ. Khi thấy bác sĩ nâng bé lên cho tôi nhìn rồi bế bé đi cân đi tắm, tôi thều thào hỏi chị y tá “Con em có khóc không chị?” Chị y tá trợn mắt “Trời, con chị nó khóc to thế mà chị không nghe thấy à”. Quả là tai tôi đã ù đi. Bạn tôi dặn, mày nhìn lên đèn mổ sẽ thấy bác sĩ mổ như thế nào. Vậy mà tôi cũng quên béng luôn, chẳng nhìn gì cả. Tôi chỉ chăm chăm chờ đợi lúc được nhìn thấy con mình. Khi đã cân và tắm sạch sẽ, cô y tá bế con tới cho tôi rồi nói “Bé trai, 3 ký hai nhé”. Nhìn con nhỏ xíu, ngủ ngon lành, tôi biết rằng mình sẽ dành cả đời để yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ cái núm ruột thân thương đó của mình.


Nguồn bài viết: AFamily.VN

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Ăn quá nhiều những thực phẩm này có thể gây sảy thai hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu.


3 tháng đầu là thời gian chị em sẽ bị sảy thai nhất, vì vậy chế độ ăn uống là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc ăn uống đầy đủ dưỡng chất để thai nhi phát triển tốt, mẹ bầu cũng cần tránh hoặc hạn chế những loại thực phẩm dưới đây để giảm những rủi ro có thể xảy ra với thai kỳ.


Hải sản tái, sống


Đồ hải sản tái hoặc sống có chứa những loại vi khuẩn và virut không an toàn cho mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, khi mang bầu bạn cần đặc biệt chú ý khâu chế biến những loại thực phẩm này. Nên tự mua về, chế biến chín để ăn chứ không nên ăn ngoài hàng. Bạn cũng cần biết thêm rằng, các loại hải sản như nghêu, sò, ốc… dù được chế biến rất kỹ lưỡng thì nguy cơ nhiễm khuẩn từ tảo biển trong đó vẫn có thể xảy ra. Lời khuyên từ các chuyên gia là mẹ bầu chỉ nên ăn ở một mức độ nhất định, không nên ăn quá nhiều.


Thịt chế biến sẵn


Loại thịt chế biến sẵn bao gồm xúc xích, thực phẩm nhồi thịt… là loại thực phẩm thực sự không nên ăn trong thời gian bầu bí. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học mới đây, khi bà bầu ăn quá nhiều loại thịt này có thể gây hại cho thai nhi trong bụng. Trong trường hợp nguy hiểm còn có thể gây ngộ độc cho thai nhi hoặc dẫn đến sảy thai.


Nếu mẹ bầu nào thèm loại thực phẩm này thì cũng có thể ăn với một lượng nhỏ, các mẹ cần chú ý chế biến ở nhiệt độ cao để đảm bảo an toàn nhất nhé.


Thực phẩm PHẢI tránh 3 tháng đầu 1

Loại thịt chế biến sẵn là loại thực phẩm thực sự không nên ăn trong thời gian bầu bí. (ảnh minh họa)

Phomat


Phomat là thực phẩm thự sự không an toàn cho bà bầu. Các loại phomat nên tránh trong thời kì bầu bí bao gồm: phomat camembe, phomat rôcơpho, phomat feta, phomat gorgonzola và các loại phomat có nguồn gốc từ Mehico. Trong thành phần của các loại phomat này có chứa các loại vi khuẩn có thể gây sảy thai ở bà bầu. Bạn chỉ nên ăn các loại phomat được chế biến từ các loại sữa tươi tiệt trùng.


Dứa


Bà bầu mang thai 3 tháng đầu không nên ăn, uống quá nhiều nước ép dứa vì loại quả này có thể gây ra những cơn co thắt tử cung làm sảy thai; gây tiêu chảy hoặc dị ứng cho bà bầu. Nguyên nhân là do dứa tươi có chứa bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, tạo ra chất gây phá thai. Tuy nhiên, qua 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể ăn một lượng dứa vừa phải, phù hợp.


Rau sam


Rau sam là loại rau dễ trồng, dễ chăm, dễ kiếm, vừa là thảo dược lại vừa là thực phẩm chế biến món ăn, có dược tính hàn. Thực tế chứng minh khi dùng rau sam thì nó kích thích tử cung khá mạnh, có thể làm tăng số lần và cường độ thu co của tử cung và hậu quả là gây ra sẩy thai.


Táo mèo


Táo mèo có vị chua, chát, ngọt rất hợp với những bà bầu ốm nghén nhưng loại quả này lại không thực sự tốt cho phụ nữ mang thai. Theo nhiều tài liệu ghi lại, táo mèo có tác dụng làm hưng phấn tử cung, có thể thúc đẩy tử cung co bóp, gây sảy thai và sinh non.


Thực phẩm PHẢI tránh 3 tháng đầu 2

Nhãn là loại quả mẹ bầu không nên ăn trong quá trình mang thai. (ảnh minh họa)

Quả nhãn


Nhãn là một loại quả ăn rất ngon, có mùi thơm, vị ngọt. Tuy nhiên, đây lại cũng là một loại quả mẹ bầu không nên ăn trong quá trình mang thai. Bởi phụ nữ mang thai thường có triệu chứng nóng trong và thường có các hiện tượng táo bón, ăn nhãn nhiều sẽ tăng nóng trong, động huyết động thai, ra huyết đau bụng, đau tức bụng dưới, thậm chí tổn thương thai khí, dẫn tới sảy thai.


Đu đủ xanh


Rất nhiều nghiên cứu cho thấy đu đủ xanh hoặc chưa chín hẳn chứa rất nhiều enzymes và mủ, có thể gây nên sự co thắt tử cung với hậu quả là gây sảy thai. Hơn nữa, đu đủ xanh còn chứa prostaglandin và oxytocin là những chất mà cơ thể rất cần để khởi động cho giây phút ra đời của đứa trẻ. Vì thế, khi chưa đủ ngày đủ tháng để đứa trẻ ra đời, nếu ăn đu đủ xanh thì rất có thể mẹ bầu sẽ bị sảy thai.


Tuy nhiên, đu đủ thật chín lại rất tốt cho mẹ bầu. Chính vì vậy, đừng đánh đồng đu đủ xanh với đu đủ chín mà kiêng cả hai các mẹ nhé.


Nha đam


Nha đam được ví như một loại “thần dược” với sắc đẹp phụ nữ, có thể giúp chị em chăm sóc mọi loại da, chống nếp nhăn và giúp giảm cân.


Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên uống nước ép nha đam, bởi nếu uống sẽ dẫn đến xuất huyết vùng chậu, thậm chí còn gây ra sẩy thai.


Gan, vitamin A


Bổ sung quá nhiều vitamin A trong thời gian mang thai có thể gây hại cho em bé của bạn. Hầu hết các bác sĩ khoa sản đều khuyên chị em bầu bí không nên sử dụng liều cao vitamin tổng hợp và các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A. Vì vậy, chị em nên hạn chế bổ sung dầu gan cá, gan động vật và vitamin A trong thời gian mang thai.


Thực phẩm PHẢI tránh 3 tháng đầu 3

Trứng sống hoặc chưa được nấu chín có thể nhiễm salmonella khiến bạn và thai nhi gặp rắc rối. (ảnh minh họa)

Trứng tái, sống


Trứng sống hoặc chưa được nấu chín có thể nhiễm salmonella khiến bạn và thai nhi gặp rắc rối. Để được an toàn nhất, chị em bầu nên tránh những món ăn với trứng chưa được nấu kỹ như salad, kem tự chế, mayonnaise… Khi chế biến trứng để ăn, mẹ bầu cũng cần lưu ý để trứng chín cả lòng đỏ và lòng trắng.


Quẩy


Khi làm quẩy, người ta phải đưa vào một lượng nhất định phèn chua, mà phèn chua chứa nhôm – một chất vô cơ. Khi rán quẩy, cứ 500 g bột mì phải dùng 15 g phèn chua. Phụ nữ mang thai cứ mỗi ngày ăn 2 chiếc quẩy sẽ đưa vào cơ thể 3g phèn chua. Nếu ăn nhiều, lượng nhôm tích lũy sẽ lớn, làm cho não thai kém phát triển, tăng nguy cơ mắc bệnh đần độn.


Đồ uống có chứa caffeine


Trong thời kỳ mang thai, nếu mẹ bầu dùng thường xuyên các loại đồ uống có chứa caffeine (như caffe, chè, coca, nước tăng lực, soda, cocktail…) sẽ có nguy cơ bị tăng nhịp tim và áp lực máu dẫn đến mất ngủ và đau đầu. Không chỉ thế, nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng, gây nguy cơ sảy thai và sinh non.


Sữa chưa tiệt trùng


Sữa chưa tiệt trùng tức là sữa tươi, chưa qua nhà máy xử lý. Tuy ngoài thị trường không bày bán nhiều nhưng không phải là không có. Trong sữa chưa qua xử lý này có chứa vi khuẩn listeria có thể làm tăng tỷ lệ sảy thai cho mẹ bầu.


Rượu, đồ uống có gas


Mẹ bầu nên tuyệt đối không nên uống rượu, các thức uống chứa cồn, đồ uống có gas vì nó có thể gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi hết sức nguy hiểm. Theo nhiều nghiên cứu nếu mẹ bầu uống quá nhiều rượu trong thời kỳ mang thai thì thai nhi sinh ra rất dễ bị các tổn thương thần kinh và có nguy cơ mắc bệnh đao rất cao.

 

Theo Khám phá

Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN