Hiển thị các bài đăng có nhãn nguyên tắc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nguyên tắc. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Làm đúng theo nguyên tắc và tránh các lỗi thường gặp khi cho con uống nước hoa quả dưới đây sẽ giúp bé nhà bạn hấp thu được các chất dinh dưỡng có trong các loại quả tốt hơn.


Cho con uống sữa pha với nước hoa quả


Uống sữa pha với nước hoa quả hoặc vừa uống sữa vừa uống nước hoa quả sẽ làm chất protein có trong sữa sau khi kết hợp với axit trong nước hoa quả sẽ bị kết tủa trong dạ dày, không dễ hấp thu vào cơ thể.


Cho rằng nước ép hoa quả tươi cũng giống nước hoa quả đóng hộp


Trong nước hoa quả đóng hộp, thành phần hoa quả tươi không chiếm hoàn toàn mà còn hương liệu và các chất phụ gia thực phẩm khác nữa. Còn nước ép hoa quả tươi được bạn chế biến tại nhà đảm bảo 100% là nước hoa quả nguyên chất.


Sai lầm nghiêm trọng của mẹ khi cho con uống nước hoa quả 1
Chọn nho tím khi cho con uống nước hoa quả lần đầu


Trong nước ép nho tím có nhiều polyphenol có thể ức chế quá trình hấp thu sắt vào cơ thể. Vì vậy, nếu cho bé uống nước nho khi lần đầu uống nước hoa quả có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.


Cho con uống quá 120ml nước hoa quả mỗi ngày


Uống nhiều nước hoặc bú nhiều sữa nói chung không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Thế nhưng nếu uống quá 120ml nước hoa quả mỗi ngày, ngay cả đối với một em bé 5 tuổi, sẽ gây tác hại nhiều hơn là có lợi cho sức khỏe của bé.


Uống nước hoa quả thay cho nước lọc


Dù có nhiều chất dinh dưỡng nhưng nước hoa quả hoa không thể thay thế hoàn toàn nước đun sôi để nguội. Bạn cần nhắc nhở và cho bé uống nước đun sôi để nguội hàng ngày để có chế độ dinh dưỡng cân bằng. Đối với một số loại hoa quả có vị ngọt đậm, còn cần pha loãng với nước lọc.


Đã uống nước ép nên không cần ăn hoa quả


Một số loại hoa quả có chứa nhiều cellulose, dù không hấp thụ được nhưng loại chất này có tác dụng tăng cường nhu động ruột và giúp đại tiện thuận lợi hơn. Ngoài ra, cần phải nghiền, nhai khi ăn hoa quả nên có tác dụng phát triển răng và cơ hàm của bé.


Uống thuốc với nước hoa quả


Một số loại nước ép hoa quả có chứa thành phần hóa học đặc biệt có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu một số loại thuốc, làm giảm hiệu quả chữa trị của thuốc với cơ thể.


Sai lầm nghiêm trọng của mẹ khi cho con uống nước hoa quả 2
Nguyên tắc khi cho con uống nước hoa quả


Thời gian: Sau khi bé được tròn một tháng tuổi là đã có thể cho bé uống nước hoa quả. Thời điểm tốt nhất cho bé uống là khoảng một giờ đồng hồ sau khi bé bú bữa chiều. Chú ý không nên trộn lẫn nước hoa quả vào sữa cho bé bú vì làm như vậy sẽ khiến cơ thể bé rất khó hấp thụ chất dinh dưỡng có trong sữa và trái cây.


Số lượng: Khi bắt đầu cho bé tập uống nước hoa quả, mỗi ngày chỉ nên cho bé uống 1 lần với 5 – 10ml nước ép nguyên chất pha loãng với một chút nước ấm. Sau này, khi bé đã lớn hơn, bạn có thể cho bé uống 2 – 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 15 – 20ml nước hoa quả.


Vệ sinh: Không nên sử dụng nước hoa quả đóng hộp mà dùng hoa quả tươi ép nước là tốt nhất. Hoa quả cần rửa sạch kỹ, gọt vỏ cẩn thận (với loại quả không được vỏ). Các dụng cụ liên quan như bát, thìa, chai, muỗng khuấy, máy ép hoa quả… phải rửa sạch và chần trong nước sôi để tiệt trùng. Nếu không có máy ép hoa quả, bạn có thể dùng thìa và gạc vô trùng để nghiền, lọc lấy nước cốt từ quả.


Quan sát phản ứng cơ thể bé: Khi cho bé uống nước ép của một loại quả, cần quan sát các phản ứng trên cơ thể bé trong 24 giờ đồng hồ như: phân có biến chất không, da có bị nổi mẩn không?… Nếu không có những biểu hiện trên, bạn có thể tiếp tục cho bé uống nước ép từ loại quả đó 7 – 10 ngày, sau đó đổi sang loại quả mới để bé đổi khẩu vị.

 

Theo Pháp luật xã hội 

 

Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Phạt con cũng cần có phương pháp hợp lý mới có thể đạt được mục đích răn dạy mà không làm tổn thương lòng tự tôn non nớt của trẻ.


Trẻ con khó tránh khỏi việc phạm lỗi, đặc biệt là những bé ở khoảng 2 tuổi, đây là thời kỳ chống đối đầu tiên trong quá trình trưởng thành. Cha mẹ cần biết cách thưởng phạt hợp lý thì trẻ mới nghe lời và phát triển tốt.


Trẻ con nghịch ngợm thường khiến cho bạn rất tức giận, tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý trẻ em khuyến cáo rằng cách trừng phạt bằng việc đánh mắng chỉ làm tổn thương tâm lý của trẻ. Phạt con cũng cần có phương pháp hợp lý mới có thể đạt được mục đích răn dạy mà không làm tổn thương lòng tự tôn non nớt của trẻ.


1. Trước khi trẻ phạm lỗi, hãy đưa ra lời nhắc nhở


Khi giáo dục trẻ, nếu bạn có những nguyên tắc riêng và luôn kiên trì thực hiện thì trẻ sẽ biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Như thế, trẻ sẽ tuân theo những nguyên tắc của bố mẹ mà thể hiện sự ngoan ngoãn, việc giáo dục của bạn sẽ thành công được một nửa.


Ví dụ: Bạn không muốn cho trẻ ăn đồ ngọt trước bữa ăn nhưng bé kiên quyết đòi ăn bằng được, hãy biểu hiện rõ thái độ của bạn: “Mẹ không cho con ăn đồ ngọt trước bữa ăn vì chắc chắn sẽ không muốn ăn cơm nữa”. Nếu trẻ không chịu đánh răng, bạn không cần dọa nạt hay thúc ép, chỉ cần đưa ra lời nhắc nhở: “Nếu con không đánh răng, ngày mai sẽ không được ăn sáng đó, bởi vì sau khi ăn mà không đánh răng thì răng con sẽ bị con sâu ăn mất đấy!”


Như vậy, trước khi trẻ phạm lỗi hay không nghe lời, bạn đã đưa ra lời nhắc nhở khẳng định sự trừng phạt mà trẻ sẽ bị nếu không ngoan, tự nhiên trẻ sẽ biết nghe lời bạn hơn.



2. Phạt trẻ ở trong phòng một mình

Theo những nghiên cứu hiện nay, để bảo vệ lòng tự tôn ở trẻ, bạn không thể dùng cách đánh mắng để trừng phạt, hãy thử vài động tác nhỏ để trẻ nhận ra lỗi của mình.


Nếu trẻ làm sai nhưng nhất quyết không thừa nhận, thậm chí còn la hét giận dỗi bạn và cho rằng mình không làm sai, bạn cũng đừng đỏ mặt tía tai với con, hãy dùng cách xử lý “lạnh” để tránh mâu thuẫn gay gắt.


Để trẻ ở một mình trong phòng sẽ giúp bé tự điều chỉnh tâm trạng và tự nhận thức lỗi của mình. Khi trẻ đã bình tĩnh rồi, bạn có thể phân tích vấn đề với trẻ, tìm hiểu xem tại sao con làm vậy, chỉ ra hành vi không đúng cho trẻ thấy và dạy bảo con lần sau nếu gặp trường hợp như vậy nữa thì nên làm thế nào.


Thái độ rộng lượng cởi mở của bố mẹ có thể khiến trẻ bày tỏ những cảm nhận trong lòng, cảm thấy bố mẹ chịu lắng nghe, tôn trọng mình thì mới có thể nghe theo sự giáo dục của bạn.


3. Phạt trẻ bị mất một số quyền lợi


Với bất cứ chuyện gì, bạn hãy đưa ra nguyên tắc nhất định trước khi trẻ làm sai và nghiêm khắc tuân thủ nó, như thế sẽ khiến trẻ ý thức được uy nghiêm “nói một là một” của bố mẹ.


Ví dụ: Mỗi tháng bạn đều cho trẻ một món đồ chơi nhất định và nhắc nhở trước rằng con phải có được 5 ngôi sao do cha mẹ thưởng thì mới có được món đồ chơi đó. Nếu trẻ phạm lỗi hoặc không nghe lời thì bạn sẽ giảm đi một ngôi sao coi như phạt.


Tuy nhiên, những hành vi thưởng phạt này phải có nguyên tắc và công bằng. Nếu bạn dùng việc giảm những ngôi sao thưởng để uy hiếp, ép buộc con làm những chuyện mà trẻ không muốn thì những nguyên tắc bạn đưa ra, trẻ sẽ không có hứng thú, càng không tuân thủ.


Thêm một ví dụ khác như: Nếu mỗi buổi trưa trẻ đều được ăn bánh, nhưng nếu trẻ phạm lỗi, sau khi nhắc nhở rồi, bạn có thể thay đổi thời gian đã định, có thể phạt trẻ trưa hôm đó không được ăn bánh, để trẻ mất đi một đãi ngộ có nguyên tắc.


4. Phạt trẻ giảm bớt thời gian chơi


Trẻ con bẩm sinh rất thích chơi đùa, cho nên đối với trẻ mà nói, việc giảm bớt thời gian chơi là một sự trừng phạt rất nghiêm khắc.


Ví dụ: Nếu trẻ chỉ mãi chơi mà không chịu lên giường ngủ, bạn có thể nói với trẻ rằng: “Con đã thỏa thuận với mẹ rồi mà, nếu 9 giờ mà chưa không đi ngủ thì ngày mai chỉ được chơi một tiếng thôi nhé”.


Ngoài cách giảm bớt giờ chơi để phạt ra, bạn còn có thể bắt trẻ làm một số việc vận động tay chân nhưng phải được giám sát an toàn bởi người lớn. Ví dụ bạn có thể bắt trẻ cùng làm việc nhà chẳng hạn: thu dọn phòng, rửa bát… Đối với một số đứa trẻ không thích làm việc nhà thì cách này chắc chắn có tác dụng răn đe để trẻ không dám tái phạm nữa.



 

5. Để trẻ gánh vác hậu quả của lỗi đã phạm

 

Nếu trẻ ngoan cố không nghe lời và tái phạm, thì hãy thử cho con chịu hậu quả của những lỗi lầm đó.

Ví dụ: Nếu trẻ luôn làm hỏng đồ chơi, bạn có thể tịch thu đồ chơi lại và phạt con trong vòng 3 ngày không được chơi. Hoặc nếu trẻ thường đánh nhau với các bạn nhỏ trong công viên, bạn có thể không cho trẻ đi công viên trong thời gian bao lâu sau đó.


Điều cần chú ý là khi bạn phạt theo cách này, nhất định phải nói rõ nguyên nhân phạt trẻ để con biết được lỗi của mình ở đâu, tại sao lại phạm sai. Khi trẻ nhận thức được sai lầm của mình thì việc trừng phạt mới có hiệu quả được, nếu không trong lòng trẻ chắc chắn sẽ không phục!


6. Dạy bảo lý lẽ chứ không giận dữ


Trong gia đình, không những trẻ sẽ không nghe lời bạn mà còn làm đủ điều để bắt bạn phải làm theo yêu cầu của con. Nếu đối với những yêu cầu không hợp lý của trẻ mà thái độ của người lớn quá mạnh, quá cứng rắn có thể khiến trẻ có cảm giác thua thiệt, sinh ra tâm lý kháng cự mạnh hơn. Vì vậy, trước hết bạn hãy giữ một thái điềm tĩnh, khống chế tâm trạng của mình rồi dùng cách mà trẻ dễ tiếp nhận nhất để giảng dạy điều hay lẽ phải.


Trong lúc đối thoại, hãy nhớ dùng một thái độ cởi mở khoan dung, đừng tỏ ra uy nghiêm của người lớn khiến cuộc đối thoại trở nên nặng nề, điều này chỉ khiến trẻ giảm đi mong muốn giao tiếp với bố mẹ mà thôi. Ngoài ra, bạn cũng nên đứng ở góc độ của trẻ mà nhìn vấn đề, cho dù trẻ làm sai nhưng khi con có thể đưa ra lý do rất tốt thì hãy tha thứ, thậm chí bạn có thể chủ động “nới lỏng” nguyên tắc một chút, cho trẻ thêm nhiều cơ hội để trải nghiệm cuộc sống.

 

Theo Pháp luật xã hội 

Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN