Hiển thị các bài đăng có nhãn bạo hành trẻ em. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bạo hành trẻ em. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Khi thấy hàng loạt báo đưa tin việc trường mầm non tư thục Phương Anh hành hạ trẻ, tôi tự nhủ lòng sẽ không đọc, không xem. Những tin tức như thế này khiến tôi thật sự sợ hãi.

Nhưng rồi tôi lại quyết định xem và viết những dòng này. Những đứa bé đó, không thân thuộc, không họ hàng gì với tôi cả và tôi chưa gặp mặt chúng bao giờ. Nhưng khi xem clip, tôi đã khóc và thấy xót xa vô cùng. Chúng ta đang làm gì vậy? Không cần nói tới những điều to tát như là “trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước” hãy nghĩ đến điều đơn gian giản nhất: “trẻ là người mang đến hạnh phúc cho chúng ta”.  Cái hạnh phúc mà không có bất kỳ món quà, bất kỳ phương tiện giải trí, bất kỳ tài sản nào có thể sánh kịp.


Chúng ta cứ đi nói, đi làm những cái vĩ mô, quản lý những chuyện đại sự, tầm quan trọng quốc gia nhưng lại bỏ quên đi chúng. Một trường mầm non hành hạ trẻ trong một thời gian dài, người dân xung quanh biết đó, nhưng sao giờ mới phát hiện? Chính quyền địa phương ở đâu? Cơ quan quản lý đang làm gì? Còn bố mẹ, bố mẹ đã làm gì? Có ai hỏi chúng là hôm nay đi học thế nào, vui không, có nghe chúng kể chúng bị hành hạ ra sao không? Trong số chúng có những bé đã được 3 tuổi cơ mà.


Người phản ánh tình trạng này là người dân khu vực xung quanh, trong khi người thân của trẻ lại không hề hay biết. Chúng ta ngủ quên hết rồi. Hay gánh nặng cơm áo, gạo tiền, ước mơ cho con có cuộc sống đầy đủ đã khiến ta quên. Có đó, bố mẹ kiếm nhiều tiền, trẻ có thể có vật chất tốt hơn nhưng những tổn thương tinh thần thế này thì ai bù đắp được. Trẻ mới mười mấy tháng thì có thể quên, nhưng đối với trẻ trên 3 tuổi liệu trẻ có thể quên những hình ảnh đó không? Giáo dục có vấn đề từ gốc như thế này thì sẽ không khó hiểu khi trẻ ngày càng có xu hướng bạo lực và vấn đề về tâm thần?


Tâm sự tận đáy lòng của một bà mẹ khi xem clip bé bị bạo hành 1
Ảnh minh họa.

Chúng ta thấy rất bức xúc, rất phẫn nộ. Thậm chí chúng ta nói rằng: gặp trường hợp con mình hoặc cháu mình thì sẽ làm thế này thế kia. Hoặc chúng ta tự an ủi mình rằng: may mà nơi gửi con mình không có tình trạng đó? Hoặc có suy nghĩ rằng “trường đó đa phần là con công nhân, có tiền thì gửi con vào trường quốc tế cho an toàn”. Nhưng chắc chắn chúng ta không dám khẳng định 100% rằng con mình hoàn toàn an toàn và phát triển lành mạnh tại trường học. Xin đừng xem rằng đó là trường hợp của người khác mà hay nghĩ rằng đó là chuyện không của riêng ai, rằng bản thân chúng ta hoàn toàn có thể gặp phải.


Khi tin tức về bảo mẫu làm chết trẻ 18 tháng tuổi (tôi không dám dùng từ mà báo chí vẫn dùng, vì thấy quá xót xa), tôi thấy nhiều người nhận định rằng bảo mẫu đó có gương mặt rất dữ dằn, ác cảm. Nhưng bảo mẫu ở trường mầm non Phương Anh (cái tên trường nghe thật đẹp nhưng những con người làm nên nó thì thật tệ) rõ ràng có gương mặt hiền lành, dễ nhìn nhưng sao lại có thể làm những việc dã man như vậy.


Nhìn cô bảo mẫu đánh, tát, bóp cổ, dí đầu các bé mà tôi lạnh người. Cô ta hành động nhanh như một cái máy, không chút cảm xúc. Đành rằng trẻ hư, trẻ nghịch thì đòn roi cũng một phần nào có thể giúp trẻ hạn chế. Nhưng chỉ ăn thôi (mà cho ăn kiểu như của họ thì người lớn còn chết khiếp nói chi là trẻ) mà bị đánh dã man thì không thể chấp nhận được. Họ không giữ trẻ mà họ đang giết trẻ. Một cách rất tàn nhẫn!


Ngày nào cũng có, ngày nào cũng xảy ra những chuyện hành hạ trẻ nhỏ. Mức độ và cấp độ ngày càng khiến xã hội phẫn nộ. Nhưng chúng ta lại chưa thể làm gì cho trẻ? Phải chăng đến lúc chúng ta nên hành động, nên dành cho trẻ những gì mà chúng đáng có.


Người thân của các bé, nếu có điều kiện nên để trẻ cứng cáp, hiểu biết nhất định thì mới gửi trẻ. Trường hợp vì hoàn cảnh phải gửi trẻ sớm, nên thường xuyên theo dõi, quan tâm trẻ. Nếu có thể hãy dạy trẻ những kỹ năng cần thiết, giúp trẻ có thể phản ánh lại những gì đã gặp ở trường, ở điểm giữ trẻ.


Cơ quan chức năng cần siết chặt chẽ hơn quy định về mở trường mầm non, điểm giữ trẻ. Cần theo sát, quản lý và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, đặc biệt là các điểm giữ trẻ gia đình, tự phát. Trình độ của người giữ trẻ cũng là điều cần quy định rõ ràng và có sự quản lý sát sao. Tôi thấy pháp luật quy định rất khắt khe đối với việc thành lập doanh nghiệp trong những ngành nghề như trò chơi có thưởng, khách sạn, phân phối… nhưng đối với cái nghề trọng đại là “chăm sóc trẻ” này thì dường như họ bỏ quên. Đừng để mất trâu rồi mới làm chuồng. Hậu quả của giáo dục, tôi nghĩ nó lớn và nguy hiểm hơn nhiều so với những hậu quả về kinh tế, tài chính.


Khi thời gian nghỉ thai sản được nâng từ 4 tháng đến 6 tháng, nhiều người khấp khởi mừng. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là hạt muối bỏ biển. Chuyên gia, bác sĩ thì cho rằng 3 tuổi trở lên trẻ mới cứng cáp, lứa tuổi đó là phù hợp nhất để trẻ đi học, xa gia đình. Nhưng mẹ chỉ được nghỉ chăm con đến 6 tháng, chẳng phải là đang thiếu một con số quá xa so với khoa học.


Nếu không thể cho phụ nữ được nghỉ chăm con nhiều hơn thì xin hãy cố gắng quản lý tốt việc chăm trẻ của các trường, các điểm giữ trẻ. Cứ như thế này thì phụ nữ Việt Nam sẽ mãi nằm trong cái vòng lẩn quẩn “gửi con sớm thì lo lắng, ở nhà chăm con thì mất việc” và rồi lại hối hận, thấy đau lòng khi không may con mình rơi vào trường hợp bị hành hạ, đánh đập.


Chúng tôi – những người mẹ, phải làm gì đây để bảo vệ con mình. Tôi nghĩ đây là nỗi đau không của riêng ai và cần được xã hội quan tâm, nhìn nhận đúng đắn hơn.



Các chuyên gia tâm lý sẽ chỉ ra một vài dấu hiệu cho thấy con bạn có thể bị bạo hành ở trường.
Tâm sự tận đáy lòng của một bà mẹ khi xem clip bé bị bạo hành 2

Nguồn bài viết: AFamily.VN

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Các chuyên gia tâm lý sẽ chỉ ra một vài dấu hiệu cho thấy con bạn có thể bị bạo hành ở trường. Ngày hôm qua (17/12), trên khắp các trang tin lẫn mạng xã hội đều sôi sục vì video clip bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh. Hành động nhẫn tâm của cô giáo và bảo mẫu trong clip này đã khiến cả xã hội phẫn nộ và lo lắng cho các thế hệ mầm non tương lai.

Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh có con em được gửi trong trường mầm non tư thục Phương Mai đều không nhận ra con mình bị bạo hành một thời gian dài. Thậm chí, có vị phụ huynh còn ngất xỉu khi lần đầu tiên chứng kiến cảnh con bị bóp cổ, tát bôm bốp vào mặt qua clip. Điều này khiến nhiều người tự hỏi: “Liệu các vị phụ huynh này không quan tâm tới con của mình hay thực tế, họ không biết cách nhận ra dấu hiệu con bị bạo hành?”

Rất nhanh chóng, nhóm phóng viên đã có một cuộc trao đổi ngắn với các chuyên gia tâm lý để xin tư vấn về vấn đề này.



Làm sao để phát hiện con bị bạo hành ở trường? 1
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng hành động hành hạ trẻ mầm non là hành động đáng bị lên án. Đánh trẻ là một hành động không có tâm và tầm nhìn của cô giáo trông coi trẻ (Ảnh: Tuổi trẻ)


Những ảnh hưởng tâm lý khôn lường khi trẻ bị bạo hành


Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Công ty tư vấn An Việt Sơn) cho rằng đánh trẻ là hành động  ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của trẻ. Trẻ bị đánh đập nhiều khi đến trường luôn mang tâm lý sợ sệt, lo lắng, mất hoàn toàn tính sáng tạo, không dám nói chuyện với cô giáo, bố mẹ về những nhu cầu thiết yếu của bản thân đơn giản vì trẻ sợ, sợ nếu làm trái ý của thầy cô chúng sẽ bị đòn roi, chửi rủa, bị “nhồi vào thùng nước cao”. 

Bố mẹ bận rộn nên chỉ mang con tới trường rồi an tâm công tác, không hiểu rằng trẻ có những nỗi niềm tâm sự riêng, trẻ sẽ suốt ngày lo lắng, nhìn cuộc sống, xã hội, người lớn một cách tiêu cực. Chúng sẽ đặt câu hỏi tại sao bố mẹ lại không quan tâm tới mình? Tại sao cô giáo lại hành xử như thế? Tóm lại, trẻ sẽ bị tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. 


Sự thiệt thòi này sẽ khiến trẻ dần hình thành tư tưởng phản đối ngầm, phản đối bằng tư duy chứ không dám hành động. Có những trường hợp chuyên gia gặp, trẻ sợ đi học, sợ cô giáo tới nỗi tè dầm không dám nói. Ký ức về sự đánh đập này sẽ đi theo trẻ suốt cả cuộc đời. Đặc biệt, ngoài sự lo âu, sợ sệt, trẻ có thể hình thành nên tính cách ngang bướng, tấm công người khác.

Cách phát hiện khi con bị bạo hành ở trường


Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, khi bị đối xử như trên, trẻ có biểu hiện tâm lý thường gặp là có những dấu hiệu giống trầm cảm hoặc bị trầm cảm; lo âu, sợ hãi và căng thẳng, đêm ngủ không ngon, dễ giật mình, có ác mộng, nghiến răng, cắn móng tay, lười ăn, dễ khóc, khi ăn dễ nôn trớ, thở nhanh, hồi hộp, toát mồ hôi, sợ hãi mỗi khi bố mẹ nhắc tới vấn đề đi học.


Ngoài những dấu hiệu trên, cha mẹ có thể phát hiện sớm con bị bạo hành bằng cách hãy quan sát cơ thể con sau mỗi ngày ở trường về, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân và đầu các khớp tay con xem có dấu hiệu gì bất thường hay không.


Bên cạnh đó, với những bé đã biết nói, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con, hỏi han con để bé kể những chuyện vui buồn ở lớp. Trong những câu chuyện có thể không đầu không cuối nhưng cũng sẽ giúp mẹ hiểu hơn về con khi ở lớp.


Cách bảo vệ con trước nạn bạo hành trường học

Rất ngắn gọn, chuyên gia tâm lý Hồng Hà nhận định, cha mẹ nên tìm hiểu, cân nhắc kỹ, lựa chọn cho con em mình học ở trường có chứng chỉ rõ ràng, chất lượng được đảm bảo. Thêm vào đó, cha mẹ cần dạy cho con mình những kỹ năng sống để không gây phiền hà, bực bội tới người khác và cũng là để bảo vệ bản thân. Dành thời gian chơi với con, lắng nghe con nói, tinh tế phát hiện ra những sự thay đổi trong con. Khuyến khích con nói chuyện với cha mẹ. 







 Bạn có muốn đọc tâm sự gây shock của một giáo viên mầm non đã bỏ nghề
Làm sao để phát hiện con bị bạo hành ở trường? 2

Nguồn bài viết: AFamily.VN