Không biết mọi người thế nào chứ theo mình, bỏ chút tiền đầu tư cho con giai đoạn này quan trọng lắm.
Không phải là con nhà đại gia giàu có gì nhưng không hiểu vì sao ngay cả trước khi lấy chồng và sinh con, trong suy nghĩ của mình đã không bao giờ nảy sinh ý tưởng rằng mình sẽ cho con dùng sữa nội. Tất nhiên mình biết không phải ai cũng có điều kiện mua sữa ngoại cho con, vậy nhưng mình thấy nên đầu tư một chút vào đúng giai đoạn trẻ cần canxi này thì sau nhàn lắm. Thêm nữa là nếu bảo mình lo lắng về vấn đề an toàn và chất lượng sữa, chắc chị em cũng sẽ thấy hiểu hơn cho mình.
Nhà mình ở Ninh Bình chứ cũng không phải ở các thành phố lớn. Việc mua sữa ngoại ở đây là rất khó khăn. Vậy nhưng tháng nào mình cũng nhờ người quen lên Hà Nội mua sữa cho con. Mỗi hộp khoảng hơn nửa triệu đồng. Hồi con còn nhỏ thì khá tốn vì cu nhà mình cũng có vẻ thích sữa. Tháng nào mình cũng mất hơn 5 triệu tiền sữa cho cu cậu. Vậy nhưng bây giờ con được 6 tuổi, học tiểu học rồi thì mỗi ngày mình chỉ cho con 2 cốc buổi sáng với tối trước khi đi ngủ thôi. Tính ra cũng không tốn kém lắm.
Mình thấy nhiều chị em có vẻ không quan tâm đến vấn đề sữa cho trẻ. Có người tiếc tiền nên con mới 1 tuổi đã cho uống sữa tươi. Như vậy tội con lắm chị em ạ. Trẻ con lớn rồi một ngày uống cũng chỉ 1,2 cốc sữa. Chịu khó đầu tư cho con thì sẽ tốt hơn vì như mình được biết: giai đoạn 0-5 tuổi này là giai đoạn cơ thể trẻ cần canxi nhiều nhất, do đó bao nhiêu canxi bé ăn vào cũng sẽ được hấp thụ tối đa. Khi lớn lên, nhu cầu canxi của cơ thể sẽ chỉ giảm cón 70-80% so với khi bé. Lúc đấy có muốn cao, muốn tẩm bổ thì cũng đã muộn.
Nhiều chị em quan tâm đến những Lỗi dinh dưỡng mẹ hại con “lùn tịt” những không để ý rằng rau dưa thịt cá ai cũng có thể mua được. Còn sữa mới là nguồn canxi chính và dinh dưỡng chính giúp con cao lớn, là các hơn nhau giữa các bé. Người nước ngoài uống nhiều sữa hơn, nên họ cao to và giỏi hơn chúng ta rất nhiều. Thế nên theo mình, mấu chốt là phải cho con uống thật nhiều sữa, mà phải là sữa ngoại. Vì công nghệ của nước ngoài cao hơn, nên hiển nhiên sẽ sản xuất ra sữa có chất lượng tốt hơn. Nhất là các sản phẩm sữa đóng mác chỉ dành cho nội địa nước họ, tức là sữa được nghiên cứu để có hàm lượng dinh dưỡng phù hợp nhất với trẻ nước đó. Nếu con mình ở Việt Nam mà cũng được uống các loại sữa chỉ sản xuất cho các bé nước ngoài chẳng phải là quá lợi sao.
Đương nhiên, sữa ngoại cũng có 5,7 loại và mình không bao giờ giống các bà mẹ Việt là nhìn giá để mua. Khi mua sữa ngoại, cái mình quan tâm nhất là thành phần dinh dưỡng có ghi trên vỏ hộp. Mình thường xem sữa nào có hàm lượng canxi và vitamin D cao nhất vì hai cái này trực tiếp ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Ưu tiên thứ hai của mình là hàm lượng DHA, ARA, folate…Cuối cùng mình mới để ý đến protein và chất béo. Vì thật sự bây giờ, người ta “nuôi con chiều dài” chứ ai “nuôi con chiều ngang” nữa đúng không các mẹ? Và theo quan sát của mình thì sữa Anh và Pháp thường là sữa mát, tránh được táo bón. Sữa Mỹ thì nóng nhưng tăng cân rất tốt nhé. Cu nhà mình thì mình cho con uống sữa Nhật vì sữa Nhật có hàm lượng canxi cao nhất, thêm nữa là trẻ em Nhật rất thông minh, qui trình sản xuất sữa của họ thì “khỏi phải bàn”. Con mình mê sữa Nhật lắm.
Mình nói thế này có thể nhiều người cho mình là “cành cao”, “nhà giàu”…vậy nhưng mình nói thật là mình cũng không quan tâm đâu bởi vì đã có rất nhiều mẹ hỏi mình bí quyết làm thế nào để con cao và sau khi nghe mình nói thì ai cũng gật gù đồng ý. Sữa nội thì rẻ tiền thật đấy nhưng chất lượng thì mình sợ lắm. Năm 2013 vừa rồi liên tiếp những vụ sữa nhiễm melanin, sữa xúc bằng xẻng, sữa bị trộn thuốc tránh thai, sữa có hàm lượng độc tố cao….bị phanh phui khiến các chị em lao đao. Lúc đấy mình mới thở phào vì mình cho con dùng sữa ngoại.
Mình nghĩ khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt” là rất tốt. Bằng chứng là mình cũng hay mua một số đồ Việt, vậy nhưng phải là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” thì mới hợp lý. Còn nếu hàng Việt Nam mà chất lượng…không biết thế nào thì sao có thể bắt ta dùng, sao có thể hô hào “Người Việt dùng hàng Việt” được.
Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN