Xem hết hình này đến hình kia, thấy vẫn chưa đủ, Hòa post ảnh con trai lên Facebook khoe việc Gấu vừa nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp ở trung tâm tiếng Anh thiếu nhi.
Sau khi nhận được hơn 30 like và 10 comment khen ngợi Gấu giỏi, chị mới có cảm hứng để bắt tay vào việc. Tuy nhiên, vài phút chị lại vào Facebook đếm số like và comment.
Trên Facebook của Hòa, không có hình ảnh nào khác ngoài Gấu: Gấu chơi, Gấu ăn, Gấu ngủ, Gấu học, Gấu chụp một mình, Gấu chụp cùng mẹ, cùng bố, cùng ông bà, bạn bè… Mỗi ngày chị đăng vài status tường thuật lại các hành động của cậu con trai học lớp 1. Trong tất cả thiết bị điện tử của chị, đâu cũng tràn ngập hình ảnh cậu bé. Chị còn thu âm giọng con trai hát bài “Bàn tay mẹ” để làm nhạc chờ cho điện thoại của mình.
“Mấy đứa bạn nhìn cu Gấu trên avatar của mình mà nhận ngay ra mình là bạn cũ và thêm vào danh sách bạn bè. Ai cũng khen thằng bé giống mẹ”, Hòa hãnh diện khoe.
Trong mắt đa số các mẹ, con cái bao giờ cũng là số 1. Ảnh: Kim Anh
Không khoe con trên các mạng xã hội vì lạc hậu công nghệ, Minh Hà (Phú Nhuận, TP HCM) có thể kể cả ngày không hết chuyện về cậu con trai học lớp 11. Chỉ sinh được Minh, trong mắt chị, con luôn là số 1. Hồi Minh 2 tuổi, thấy bé biết đếm từ 1 đến 10 và biết đọc bảng chữ cái, chị đã viết thư đến một tòa soạn khoe con là thần đồng, đề nghị cử phóng viên đến viết bài nhưng không thấy hồi âm. Khi một đồng nghiệp trong phòng kể đang tìm người làm clip ảnh đám cưới, chị còn đề nghị để Minh làm vì cháu đã đi học lớp thiết kế đồ họa.
Để có đứa con hoàn hảo, chị cho con học đủ thứ, võ, bơi, nhạc, vẽ, vi tính và rất tự hào khi con mới học lớp 11 đã cao 1m70 và nặng 80 kg. “Phải cho con ăn những thứ bổ dưỡng nhất thì mới khỏe mạnh được như thế. Từ nhỏ, nuôi nó đã rất thích. Ngoan, chịu ăn, không khóc chút nào. Bạn bè yêu đương linh tinh nhưng nó bảo con chỉ chuyên tâm học hành, yêu đương sớm làm gì. Làm gì nó cũng nghĩ đến mẹ đầu tiên”, chị Hà khoe mà không biết trên Facebook của Minh, cậu tuyên bố đang yêu một cô bạn và chẳng có dòng nào kể về mẹ.
Năm nào công ty đi nghỉ mát, chị Hà cũng cố gắng đưa con đi cùng. Nếu lỡ trùng vào ngày con bận việc gì đó, chị sẵn sàng ở nhà. Nhiều lúc Minh không muốn đi theo mẹ nhưng thấy ánh mắt nài nỉ của mẹ, cậu đành miễn cưỡng theo, để trở thành người hùng bảo vệ mẹ.
Trong câu chuyện phiếm ở công ty, đề tài của chị chỉ có Minh. “Mình chỉ kể chuyện về con chứ có nói xấu ai đâu, như thế rất an toàn ở môi trường công sở”, chị Hà chia sẻ mà không biết mỗi lần nghe chị kể, đồng nghiệp chỉ khen vài câu lấy lệ rồi chạy mất. Đến khi Minh được đưa ra nước ngoài du học, mấy đồng nghiệp mừng thầm vì không phải nghe lời khen ngợi nhàm chán nữa.
Anh Hưng (Đống Đa, Hà Nội) lại than thở từ khi sinh con vợ chẳng còn để ý gì đến mình: “Dường như trong thế giới của cô ấy chỉ có con và con. Nhiều lúc tôi chẳng muốn về nhà vì thấy bị bỏ rơi”. Hai mẹ con dẫn nhau đi chơi hết nơi này nơi khác, mua sắm đủ loại váy áo đồng bộ trong khi quên mất chiếc sơ mi của anh đã rách. Thậm chí, hai mẹ con giặt quần áo chung với nhau và tống của bố giặt riêng, cũng không thèm phơi đồ cho bố.
Hôm trước, tình cờ nghe vợ nói chuyện qua điện thoại với cô bạn thân “Khi yêu thì nhất người yêu, nhì công việc, ba bố mẹ, đến khi có con rồi thì nhất con, nhì công việc và ba bố mẹ, chẳng biết xếp chồng vào đâu nữa”, anh Hưng buồn thiu, chỉ hy vọng đấy là lúc bà xã cao hứng sĩ diện với bạn bè.
Vợ chồng anh thu nhập hơn chục triệu một tháng thì một nửa dành để đầu tư cho con gái: sữa xịn, học nhạc ở Nhà thiếu nhi, tuần nào bé cũng được chơi công viên hay khu vui chơi thiếu nhi, tháng nào cũng được sắm đồ chơi hay quần áo mới, dù có khi về chẳng dùng đến. Thậm chí, có tháng anh bị chậm lương, hai vợ chồng phải ăn cơm rau và đậu phụ, nhưng chị vẫn vay mượn để đóng tiền cho con đi tham quan cùng lớp học.
Anh Ngọc Tùng, một kỹ sư đang sống và làm việc tại châu Âu kể, anh không cho vợ mình post quá nhiều ảnh con trên các mạng xã hội vì sợ bọn trẻ được khen nhiều sẽ mất duyên. Anh cũng kể, người phương Tây nói chung rất kỵ việc khoe con trước đông người, một phần vì muốn đảm bảo an toàn cho đứa trẻ, một phần vì không muốn những người xung quanh khó xử. Ở đây, trẻ con không được biến thành trung tâm của vũ trụ như các gia đình Việt Nam.
Theo giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền, Hiệu trưởng trường trung cấp Âu Việt (TP HCM), những ông bố bà mẹ yêu con đến mức phát cuồng, suốt ngày khoe con trên các mạng xã hội hay với bạn bè, đồng nghiệp; trong các câu chuyện lúc nào cũng chỉ có con và con; con mình luôn luôn là nhất… thực chất là những người đã mắc bệnh sĩ diện.
Bệnh sĩ diện có nhiều biểu hiện nhưng nhìn chung là thích khoe khoang một điều gì đấy, và ở đây là khoe con. Giáo sư cảnh báo, cách yêu con kiểu này lâu dài sẽ khiến đứa trẻ hoặc là trở nên bạc nhược, chai lỳ mất đi cảm xúc trước những lời khen ngợi, trước tình cảm bố mẹ dành cho mình (lời khen ngợi hay tình yêu thương của cha sẽ không còn giá trị khích lệ với chúng), hoặc trở nên kiêu ngạo, coi thường tất cả. Và cả hai xu hướng này đều không tốt.
Bên cạnh việc yêu con theo kiểu khoe thì yêu con đến mức quên bạn đời cũng là một điều nguy hiểm. Phụ nữ sau khi có con thường quên mất chồng, và tình trạng này rất có thể đẩy chồng đến chỗ tìm niềm vui bên ngoài gia đình. Theo ông, tình cảm với chồng và con là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Nếu tình cảm dành cho chồng gắn liền với yêu thương thì tình cảm dành cho con gắn liền với trách nhiệm. Và không bao giờ có thể đặt hai người này lên bàn cân để nói rằng yêu ai hơn ai, ưu tiên ai hơn ai. Nếu trong nhà, lúc nào cũng con hát mẹ khen hay có thể khiến tâm lý gia đình mất cân bằng.
Giáo sư cho rằng cách thể hiện tình yêu con hợp lý nhất chính là để em bé tự giác nhận ra tình yêu của cha mẹ dành cho mình, phải khơi dậy để con bộc lộ khả năng của mình, chứ không phải là cố áp đặt theo ý muốn của mình. Ví dụ, hãy làm sao để em bé tự yêu cha mẹ chứ không phải là ép con phải yêu mẹ.
Theo VnExpress
Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN