Hiển thị các bài đăng có nhãn đi ngủ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn đi ngủ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, răng sữa đằng nào cũng thay nên không chú ý đến việc chăm sóc răng miệng cho con. Đây là việc làm sai lầm vì răng sữa có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời.


Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu chăm sóc răng sữa tốt thì răng vĩnh viễn của trẻ cũng sẽ khỏe và tốt về sau này. Vậy khi nào cần cho trẻ bắt đầu tự đánh răng?


Răng sẽ thay đổi theo từng trẻ nhưng nếu trẻ dưới 8 tuổi cần có sự giúp đỡ khi tự chải răng.


- Chọn bàn chải phù hợp cho lứa tuổi của trẻ.


- Nên cùng trẻ chải răng để giúp trẻ quan sát và bắt chước .


- Chải răng ít nhất 2 lần một ngày, buổi sáng và trước khi đi ngủ .


- Chú ý chải mặt nhai và các răng hàm phía sau là nơi sâu răng thường phát triển đầu tiên.


Cách chăm sóc răng cho trẻ thế nào là đúng? 1

  

Chỉ nên dùng một lượng nhỏ như hạt đậu kem đánh răng có chứa Fluor. Hướng dẫn trẻ súc miệng sạchvà nhổ hết kem đánh răng ra sau khi chải răng.


Phụ huynh sẽ đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe răng miệng của con mình. Thật vậy, chăm sóc răng miệng cho trẻ bắt đầu từ bạn. Điều đặc biệt quan trọng làm cho trẻ cảm thấy hăng hái, nhiệt tình, năng động trong việc chăm sóc hàm răng của mình. Mặc dù bạn hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách hoặc đưa trẻ đi khám răng định kỳ cũng nên nhớ đó là một cách tốt nhưng đừng quên khen ngợi và khuyến khích trẻ để hướng cho trẻ tự ý chăm sóc răng miệng.


Chải răng cho trẻ như thế nào?


Để ngăn ngừa sự thành lập mảng bám thì điều quan trọng nên làm là chải sạch kỹ lưỡng răng và nướu mỗi ngày ít nhất 2 lần. Khi chải răng cần nhớ là mỗi răng của chúng ta có đến 5 mặt: mặt ngoài, mặt trong, 2 mặt bên gần xa và mặt nhai (răng cối), hay bờ cắn (răng cửa). Và chỉ có một cách duy nhất chắc chắn giúp ta phòng ngừa bệnh lý răng miệng là làm sạch tất cả các mặt của răng. Hiện nay có nhiều kỹ thuật chải răng khác nhau và tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến nha sĩ điều trẻ cho bạn để biết mình nên theo phương pháp chải răng nào là phù hợp nhất khi chải răng.


- Chải mặt ngoài các răng cửa, đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ hướng về phía bờ nướu.


- Bắt đầu chải mặt nhai với bàn chải trẻ em có sợi lông mềm, dùng động tác đẩy tới lui với biên độ ngắn.


- Di chuyển vào răng trong chải nhẹ nhàng.


- Chải mặt trong các răng cửa dưới, giữ bàn chải thẳng đứng, dùng phần đỉnh bàn chải chải nhẹ theo hướng từ nướu đến bờ cắn.


- Phải chắc chắn rằng các răng sau và nướu được làm sạch đúng mức.


Nên thay bàn chải của trẻ khi lông bàn chải bắt đầu tòe ra, thường thì mỗi 3 tháng một lần.


Chọn bàn chải và kem đánh răng cho trẻ?


Nên chọn bàn chải có sợi lông thật mềm được dành riêng cho trẻ em.Có thể chọn cho trẻ loại bàn chải máy rất hiệu quả và an toàn khi chải răng.


Nhiều loại kem đánh răng trẻ em có mùi vị phù hợp với vị giác của trẻ để khuyến khích trẻ chải răng, nhưng nên chọn cho con bạn mùi vị mà cháu thích nhất.


Thời điểm nên đánh răng


Chải răng vào buổi sáng sau khi thức dậy: Giúp loại trừ các vi khuẩn trong miệng hoạt động trong suốt thời gian dài đi ngủ. Giúp hơi thở thơm tho, sảng khoái.


Chải răng sau mỗi bữa ăn: giúp loại bỏ những mảnh vụn thức ăn, mảng bám còn sót lại trên răng, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và từ đó ngăn ngừa sâu răng.


Chải răng trước khi đi ngủ rất cần thiết: Giúp răng miệng sạch sẽ trong khoảng thời gian dài đi ngủ. Khi ngủ thì lưu lượng và tốc độ tiết nước bọt đều giảm mà nước bọt là một cơ chế bảo vệ răng khá quan trọng. Do đó, nguy cơ sâu răng sẽ tăng cao hơn nếu không chải răng sạch sẽ trước khi đi ngủ.


Hệ răng sữa: Gồm 20 cái, bắt đầu hình thành và cấu tạo từ trong bào thai và tiếp tục phát triển sau khi trẻ sinh ra. Răng sữa đầu tiên mọc lúc sáu tháng tuổi, sau đó trung bình cứ bốn tháng sẽ mọc các răng tiếp theo và trẻ có đủ hệ răng sữa vào lứa tuổi 2-2,5.


Theo Minh Hải (VnMedia.vn)


Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tôi muốn bày các mẹ chiêu trị những câu cãi “không biết học ở đâu ra” của trẻ.


Có con biết nói líu lo thì thích lắm, vậy nhưng cứ để con nói đến năm 5 tuổi là các bà mẹ sẽ “phát chán” vì những lý sự cùn và các câu nói bướng bỉnh của bé. Tôi là một ví dụ điển hình. Bim – con trai tôi mãi 20 tháng mới biết nói. Ngày nghe con gọi tiếng mẹ đầu tiên, tôi mừng “rơi nước mắt”. Vậy nhưng bây giờ, tôi thường xuyên phải mệt mỏi vì cu cậu nói nhiều, nói dai và nói liên tục cả ngày. Đặc biệt là vào giai đoạn đi mẫu giáo, con trai tôi càng học được thêm nhiều “mẫu câu” mới khiến tôi nhiều khi cũng phải “mắt tròn mắt dẹt” vì không biết con học ở đâu ra.


Tôi xin kể ra đây những câu cãi của con và cách trị trẻ hay cãi bướng:


“Của con cơ mà”


Bất cứ khi nào Kem – con gái thứ hai của tôi (2,5 tuổi) có món đồ gì là y như rằng cu anh sẽ đòi có cho bằng được, ngay cả khi đó là con gấu gỗ Bim đã để bụi mù trong hộp đồ chơi đến nửa năm trời. Vậy nhưng điều làm tôi bực mình là Bim thậm chí đòi cả những đồ con không thể dùng nổi, ví dụ như cái gặm nướu của em đã từ lâu lắm.


Có lẽ, giải pháp của nhiều bà mẹ, sẽ là luôn mua mỗi thứ 2 cái “cho công bằng”. Vậy nhưng tôi không làm như vậy. Con trai tôi cần công bằng, nhưng cũng cần bỏ thói ích kỷ. Do đó, tôi dạy con cảm giác thích một cái gì đó nhưng bị người khác từ chối cho mượn:


- Bạn Minh có xe cẩu rất đẹp, con muốn mượn bạn chơi một chút, nhưng bạn không cho, con rất buồn đúng không?


Bim sẽ trả lời: “Dạ, đúng ạ”. -


- “Nếu bạn cho con mượn xe cẩu chơi một chút, thì con có trả lại cho bạn sau khi chơi xong không?”.


- “Dạ, có”.


- “À, vậy nếu con là bạn Minh, con không cho bạn mượn xe cẩu chơi, bạn có buồn không?”.


- “Dạ, có ạ”


- “Thế em muốn chơi đồ chơi của con rồi trả lại, mà con từ chối, thì em có buồn không?


…Lúc đấy, Bim sẽ hiểu được cảm nhận của người khác và biết cách cho đi để nhận lại.



Trả lời những câu cãi của trẻ sao cho thuyết phục không khó (ảnh minh họa)

“Các bạn không thế, sao con phải thế”


Bắt con đi ngủ trong khi Bim vẫn còn một tập phim chưa xem xong quả là một điều khó khăn. Nhất là khi bé đến lớp và biết bạn bè mình vẫn còn đang thức, không bị bố mẹ bắt đi ngủ và ngồi xem say sưa. Điều đó sẽ khiến trẻ có cảm giác không công bằng. Tôi không thể bắt những đứa trẻ ở lớp Bim đi ngủ đúng giờ. Vậy làm thế nào cho con cảm thấy công bằng?


Đừng ép trẻ! Mỗi khi con tỏ ra như vậy, tôi hay thường ngồi nói chuyện nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc với con, rằng “Mẹ chẳng muốn dậy sớm đi chợ, nhưng mẹ cần phải làm như vậy vì nếu mẹ không đi thì làm sao có cơm cho Bim. Và Bim cũng thế. Có đôi khi những điều con không MUỐN, con vẫn phải làm. Vì đó là điều con CẦN. Bim cần phải đi ngủ đúng giờ để mai có thể dậy đi học”.


Thường những lúc như vậy, Bim thường nhìn mẹ ra vẻ “con biết rồi” sau đó đi ngủ. Nếu lần sau Bim vẫn tái diễn trò “các bạn không thế, sao con phải thế”, tôi sẽ chỉ trả lời đơn giản “Lần trước mẹ đã giải thích cho Bim rồi đúng không? Tại sao í nhỉ?” là Bim ngay lập tức nhớ lại bài học về MUỐN và CẦN.


“Sao mẹ cứ bắt con làm thế?”


Bim đến tuổi thích “lý sự cùn”. Vì vậy, nếu tôi sai con làm gì mà bé không thích, y như rằng tôi sẽ phải nghe được câu nói “sao mẹ cứ bắt con phải làm thế?”. Thông thường ở trong tình huống này, nhiều phụ huynh sẽ không biết phải trả lời sao và do đó, đáp lại con ngắn gọn là “Vì bố mẹ nói thì con phải nghe”. Tôi thì khác. Tôi hướng đến sự công bằng và sự hào hứng được giúp đỡ mẹ của con.


Bằng cách nào? Nếu tôi nói con làm một việc là trách nhiệm của bé, ví dụ như đi dọn đồ chơi, mà con không làm. Thì tôi sẽ làm cho con. Sau đó yêu cầu con làm việc của tôi, ví dụ như đi vào bếp nhặt và rửa rau. Đương nhiên con trai tôi sẽ nói là “không công bằng, đấy là việc của mẹ cơ mà”. Nhưng tôi sẽ đáp lại con “Thế liệu có công bằng cho mẹ không khi phải đi dọn đồ chơi cho con?”. Những lúc như vậy, Bim thường không thể lý sự tiếp và sẽ ngoan ngoãn đi làm. Có thể bé sẽ làm trong ấm ức, nhưng những lời khen ngợi, động viện Bim sau đó như “Bim làm việc của mẹ mà cũng khéo ghê. Rau xào hôm nay chắc sẽ ngon đây” thì con sẽ quên ngay chuyện phải “dỗi” mẹ.


“Con muốn ăn/đi chơi/mua cái này ngay”


Cứ tưởng tượng, khi tôi đang nấu cơm tối thì Bim lại chạy ra đòi ăn kẹo hay khi ở siêu thị, khi đang đi mua đồ, Bim lại đòi mua đồ chơi. Nếu tôi nói với con là “để ăn tối xong rồi ăn kẹo”, hay “lần sau mẹ sẽ mua cho con”…y như rằng cu cậu sẽ nói “Nhưng con muốn ngay bây giờ” và sau đó là một tràng dài tranh luận kiểu như “Ăn kẹo bây giờ lát không ăn được cơm” – “Nhưng con ăn kẹo vẫn ăn được cả cơm”, “Con đói quá không chịu được”, “Con chỉ ăn một cái thôi”


Trẻ con thường cố tranh luận bằng được và đối với con, ai là người nói câu cuối cùng sẽ là người thắng. Do đó, tôi thường không trao đổi nhiều với con những lúc như thế này. Tôi luôn giữ quan điểm nhất quán, chỉ trả lời một lần kèm lý do đầy đủ. Không bao giờ tôi nói thêm câu thứ hai. Cách làm này sẽ khiến Bim biết được quan điểm của mẹ và thôi nghĩ rằng nếu cứ kì kèo thì sẽ đạt được ý muốn. Đương nhiên, nếu tôi đã nói với con là “Không, để ăn tối xong rồi ăn kẹo” thì đúng là ăn tối xong Bim sẽ có kẹo ăn. Làm như vậy, con sẽ có thêm 1 tầng tin tưởng vào lời nói của mẹ và biết rằng lời mẹ nói luôn nhất quán và có hiệu lực.

 

Theo Khám phá

Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Nếu không chú ý thì bạn đã vô tình làm bé bị sâu răng với những thói quen xấu dưới đây.


1. Uống si rô ho không xúc miệng


Một số bà mẹ sau khi cho con uống si rô ho vào buổi tối trước khi đi ngủ (để con không bị ho vào buổi đêm) thường không cho con uống nước hoặc xúc miệng do sợ làm pha loãng thuốc, làm giảm hiệu quả chữa trị của thuốc. Cách làm này không đúng vì trong phần lớn các si rô ho dành cho trẻ em đều chứa một lượng đường nhất định, nếu uống si rô trong thời gian dài sẽ tích lũy đường trong răng bé và gây ra sâu răng. Vì vậy, cho dù là thuốc thì sau khi uống si rô ho, các mẹ vẫn phải cho con vệ sinh răng như bình thường.


2. Ăn thức ăn nóng, lạnh liền nhau


Thông thường các bé thường được mẹ cho ăn cháo, cơm nóng hoặc uống sữa ấm sau đó tráng miệng bằng sữa chua, trái cây… (thường được trữ trong tủ lạnh). Việc ăn xen kẽ thức ăn nóng, lạnh như vậy thực sự rất có hại cho răng, trong một số trường hợp trẻ còn cảm thấy đau răng ngay sau khi ăn.


Các mẹ cần biết rằng, nhất là răng sữa đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ nóng – lạnh. Bởi vậy, đau răng do nguyên nhân này lâu ngày có thể dẫn đến viêm tủy răng và một số bệnh về răng khác.


3. Uống sữa, nước hoa quả trước khi đi ngủ


Trong sữa có lactose, trong nước hoa quả có dư lượng đường cao nên nếu uống trước khi đi ngủ sẽ khiến vi khuẩn đường miệng dễ dàng xâm nhập và làm tổn thương răng. Vì vậy, các mẹ phải chắc chắn bé được đánh răng và súc miệng bằng nước diệt khuẩn sau mỗi lần uống sữa hay nước hoa quả trước khi ngủ. Với các bé sơ sinh, mẹ phải vệ sinh lợi và khoang miệng của bé thật cẩn thận sau khi cho bé bú cữ buổi tối. Tuy vậy, theo các chuyên gia chăm sóc răng miệng trẻ em, cách tốt nhất là các mẹ tập cho con bỏ dần thói quen uống sữa, nước hoa quả trước khi đi ngủ.


7 thói quen hàng ngày có thể khiến bé bị sâu răng 1

Ảnh minh họa

4. Dùng răng mở nắp chai, xé bao bì


Mở nắp chai, xé bao bì, cắn chỉ khâu… hoặc cắn đồ vật cứng, nhọn sẽ tạo nên các vết nứt sâu trên răng, thậm chí có thể gây sứt hoặc mẻ răng. Ngoài ra, khi bé dùng răng để làm những việc như thế này sẽ khiến răng tiếp xúc với vi khuẩn trên miệng chai, bao bì, đồ vật… Vì vậy, các mẹ cần tỏ thái độ dứt khoát và “mạnh tay” ngăn chặn thói quen xấu này của bé.


5. Ăn quá nhiều


Ăn nhiều đồ ăn, đặc biệt là đồ chiên xào không những có thể gây khó tiêu, béo phì, viêm loét miệng… mà còn ảnh hưởng không tốt đến “sức khỏe” của răng, khiến răng phải làm việc quá nhiều và tiếp xúc với nhiều loại chất, lâu dần có thể gây ra những cơn đau răng rất khó chịu. Vì thế, các mẹ cần chú ý đến chế độ và tần suất ăn uống của con, để đảm bảo bé có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.


6. Hay ăn vặt


Các bà mẹ thường có thói quen cho con ăn nhẹ giữa các bữa ăn chính để đảm bảo bé luôn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Nhưng các mẹ không biết rằng khi cho con ăn vặt như vậy, nước bọt tiết ra ít hơn, khiến đồ ăn dễ dàng bám trên răng, đặc biệt là thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây chiên. Trên thực tế, sau mỗi lần ăn như vậy, các mẹ thường không vệ sinh răng cho con vì như vậy rất bất tiện, mất thời gian và vệ sinh răng quá nhiều lần trong ngày cũng không phải là tốt. Vì thế, thường xuyên ăn vặt dễ khiến răng bị sâu và có thể làm hỏng men răng.


Các chuyên gia y khoa về chăm sóc răng miệng khuyên các mẹ nên hạn chế cho con ăn vặt, chỉ nên ăn ở mức độ nhất định và không nên cho con ăn đồ ngọt như bánh kẹo trước khi đi ngủ. Nếu cho ăn, cần phải đảm bảo bé đã được vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi lên giường đi ngủ.


Theo PLXH


Nguồn bài viết: GiaDinh.Net.VN